Chương VII. Lời loan báo đầu tiên và Đoàn sủng Salêdiêng

“Hãy nới rộng lều ngươi đang ở!”

Trong sách ngôn sứ Isaia chương 54 đã lấy lại một biểu tượng đắt giá của ngôn sứ Hôsê, Êdêkien, Giêrêmia, và hình dung ra rằng Ítraen sắp cử hành cuộc kết hôn với Thiên Chúa. Do sự bất trung của mình, Ítraen phải cô đơn, không con cái và phải thẹn thùng xấu hổ. Nhưng giờ đây, qua giao ước, cô là hiền thê của Thiên Chúa và là một người mẹ có nhiều con cái. Chính Thiên Chúa là Đấng đã làm cho Ítraen trở nên phong phú. Vì vậy mà cô phải nới rộng lều vì lắm cháu nhiều con: “Hãy nới rộng lều ngươi đang ở, căng các tấm bạt ra, đừng hẹp lòng hẹp dạ. Nối dây thừng dài thêm, đóng cọc lều cho chắc, vì ngươi sẽ tràn ra hai bên tả hữu, dòng dõi ngươi sẽ thừa kế các dân tộc và đến ở trong các thành bỏ hoang” (Is 54,2-3). Trong Kinh Thánh, lều là nơi gặp gỡ của Thiên Chúa với dân của Ngài và là một không gian sống động để gặp gỡ và đối thoại. Lều được dùng để giúp người ta che nắng che mưa và nghỉ ngơi để tiếp tục bước đi trên hành trình của mỗi người. Vì thế, điều quan trọng là lều phải đủ rộng để đón tiếp tất cả mọi người.

Niềm tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã cắm lều ở giữa chúng ta (Ga 1,14), Đấng mời gọi những người Salêdiêng và những người Con Đức Mẹ Phù Hộ, mở rộng chân trời truyền giáo của mình để Lời loan báo đầu tiên trở nên mối quan tâm chính yếu nhất của đời sống thánh hiến của chúng ta như một nhà giáo dục và một nhà loan truyền Tin Mừng. Chú tâm vào Lời loan báo đầu tiên chắc chắn sẽ làm cho công việc mục vụ của chúng ta trở nên hiệu quả hơn giữa giới trẻ.

Nhìn vào nguồn cội của chúng ta

Tất cả mọi phong cách sư phạm của Don Bosco đều hướng đến việc kiến tạo tinh thần gia đình như một môi trường giáo dục không thể thiếu, để cổ võ cho Lời loan báo đầu tiên giữa những thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi của thành phố Torino. Don Bosco đã làm cho các thanh thiếu niên của Ngài có cảm giác rằng họ không bước vào một ngôi trường, nhưng là một gia đình được một người cha đồng hành hướng dẫn, luôn ao ước những điều đem lại lợi ích về tinh thần và vật chất cho con cái của ngài. Thực vậy, Don Bosco luôn nói Nguyện xá là nhà chứ không chỉ như một ngôi trường. Ở đó, ngài đã khơi lên nơi người trẻ lòng khao khát Thiên Chúa, và cho họ cảm nhận một Thiên Chúa rất gần gũi, yêu thương hằng tỏ mình ra và dẫn dắt mỗi người trên hành trình niềm tin. Don Bosco đã không phân biệt Lời loan báo đầu tiên và việc dạy Giáo lý, nhưng bất cứ khi nào gặp một thiếu niên, cha liền mời em hướng đến đời sống Kitô hữu. Như thế cha đã đưa giáo lý vào cuộc sống của các thanh thiếu niên.132

Trong lá thư gửi từ Rôma năm 1884, Don Bosco viết rằng cần phải “phá vỡ rào cản chết chóc của sự thất vọng và thay vào đó là sự tin tưởng mãnh liệt... Nhờ vào những lời rỉ tai bất ngờ trong khi các thanh thiếu niên đang vui chơi, mà biết bao nhiêu cuộc hoán cải đã xảy ra. Ai biết mình được yêu sẽ biết yêu, và ai được yêu sẽ có tất cả, đặc biệt là từ người trẻ. Sự tín nhiệm này sẽ tạo ra một dòng điện giữa người trẻ và các Bề trên. Khi cõi lòng rộng mở thì người ta sẽ bộc bạch mọi nhu cầu và bày tỏ cả những giới hạn của họ”.133

Cũng vậy, ở Mornese, Mẹ Maria Domenica Mazzarello đã hòa mình với các thanh thiếu nữ ở vùng quê đó, để giúp họ thực hành đời sống đức tin. Khi cha Pestarino xin các chị trong hội Con Đức Mẹ Vô Nhiễm giúp các bà mẹ trong giáo xứ biết cách giáo dục con cái sống niềm tin, thì Maria Mazzarello đã hết sức chăm chút cho việc dạy Giáo lý, bởi chị xác tín rằng đời sống đức tin của các thiếu nữ và của toàn thể gia đình lệ thuộc vào người mẹ. Thật vậy, giáo dục đức tin cho các thanh thiếu nữ, nhất là những em không được chăm sóc và bị bỏ rơi là điều đã được ghi khắc sâu xa vào cõi lòng của Maria Mazzarello, trước khi chị trở thành một nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ.

Mẹ Mazzarello dạy Giáo lý ngang qua những cuộc đối thoại thông thường, phương pháp sư phạm thì đơn sơ, việc thực hành chính là kinh nguyện và tương quan với Thiên Chúa. Giáo lý của Mẹ dựa trên Lời Chúa và tập trung chủ yếu vào những gì người trẻ yêu thích và dựa vào kinh nghiệm của họ với Đức Giêsu. Với Mẹ Mazzarello, việc dạy Giáo lý lệ thuộc chủ yếu vào môi trường sống chứ không chỉ là vấn đề truyền đạt hay là phương pháp.

Tiểu sử kể lại rằng Maria Mazzarello đã có sáng kiến đưa vào Nguyện xá những điệu nhảy để làm át đi những ảnh hưởng tiêu cực của ngày lễ hội hóa trang. Việc dậy các thiếu nữ khiêu vũ là điều chưa từng nghe nói ở vùng quê Mornese thời bấy giờ. Mẹ Mazzarello đã làm điều đó vì Mẹ nhận thấy đó là cách để giúp các thiếu nữ vui vẻ hạnh phúc mà không làm mất lòng Chúa. Sau đó, với gợi ý của cha Costamagna, Mẹ đã tổ chức những buổi văn nghệ và cả dân làng Mornese cũng được mời tham dự. Phong cách giáo dục được Mẹ Mazzarello và các FMA tiên khởi khơi lên tại Mornese đã luôn là một bí quyết, một nghệ thuật để dẫn dắt các thiếu nữ đến với Chúa Kitô.

Vì thế, với Don Bosco và Mẹ Mazzarello, mọi sự đều có thể là cơ hội thích hợp để loan báo Tin Mừng cứu rỗi. Chính các ngài cũng coi môi trường giáo dục là yếu tố vô cùng quan trọng. Nơi đó, con người, hoạt động, lời nói có thể khơi lên trong mọi sự ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa; và điều này có thể được diễn ra nơi Nguyện xá, nơi trường học, nơi cộng đoàn, nơi công xưởng, thậm chí cả nơi giải trí, sân chơi và các cuộc đi dạo.134

Hệ thống giáo dục dự phòng

Don Bosco rất coi trọng kinh nghiệm của người trẻ. Cha đã lấy những kinh nghiệm sống của họ làm yếu tố nền tảng để xây dựng Hệ thống Giáo dục Dự phòng của mình và đã đem lại rất nhiều hiệu quả. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tóm tắt trong những lời ngắn gọn sau:

“Người ta có thể nói rằng nét đặc trưng trong “thiên tài” của Don Bosco liên quan đến đường lối giáo dục mà chính ngài đã định nghĩa là “Hệ Thống Giáo Dục Dự Phòng”. Cách nào đó, điều này chứng minh cho sự khôn ngoan sư phạm của ngài và nó đã làm nên sứ điệp mang tính ngôn sứ, được truyền lại cho các thế hệ sau và cho toàn thể Giáo Hội. Rất nhiều nhà giáo dục cũng như những nhà nghiên cứu sư phạm đã rất quý chuộng phương pháp giáo dục này. Thuật ngữ “Dự phòng” mà ngài sử dụng cần được hiểu không chỉ ở mức độ hạn hẹp của ngôn từ, nhưng được nhìn trong sự phong phú đặc trưng trong nghệ thuật giáo dục của cha thánh. Trước tiên, cần phải quan tâm đến ý muốn dự đoán trước được các kinh nghiệm tiêu cực làm phân tán sức lực của người trẻ, hoặc làm họ phải khổ sở trong một thời gian dài để có thể phục hồi. Hạn từ này cũng có ý nói đến những trải nghiệm thâm thúy, những trực giác sâu sắc, những chọn lựa chính xác, những tiêu chuẩn có phương pháp và mang tính giáo dục tích cực, có khả năng đề xuất những điều tốt đẹp ngang qua những kinh nghiệm phù hợp, hấp dẫn và thu hút vẻ đẹp cao quý và lớn lao của người trẻ. Thuật ngữ này cũng bao hàm nghệ thuật giúp người trẻ trưởng thành từ “bên trong” qua việc giúp họ có được sự tự do nội tâm, cho dẫu phải vượt qua những điều kiện cũng như những hình thức bên ngoài; nghệ thuật chiếm hữu cõi lòng người trẻ để hướng họ về điều thiện với sự hài lòng và vui tươi, nỗ lực giúp họ sửa chữa những sai phạm và chuẩn bị họ cho tương lai ngang qua một sự đào tạo vững chắc về bản chất”.135

Hệ thống giáo dục dự phòng như là Lời loan báo đầu tiên

Trọng tâm của Hệ thống Giáo dục Dự phòng của Don Bosco là chiều kích tôn giáo. Trong thực tế, không thể hiểu được tình yêu của Don Bosco dành cho giới trẻ nếu không tìm về động lực sâu xa và mãnh liệt của ngài: Là vì phần rỗi đời đời của họ. Trong giấc mơ chín tuổi, lần đầu tiên Don Bosco được bày tỏ cho biết ơn gọi của ngài chính là đưa những người trẻ đến với Thiên Chúa, qua sự thuyết phục và tình mến thương sư phạm, chỉ cho họ thấy “sự tuyệt mỹ của nhân đức và sự xấu xa của tội lỗi”. Nhưng, chính trong Nguyện xá Valdocco, ngài mới có thể kiểm chứng được tính hiệu quả của phương pháp giáo dục này.

Sự hiện diện là yếu tố nền tảng của Hệ thống Dự phòng. Nhà giáo dục hiện diện như một dấu chỉ, chứng tá của tình yêu hướng về Thiên Chúa và hướng về nhân loại. Ngang qua sự hiện diện, mối tương quan đối thoại Tôi - Bạn được hình thành. Mối tương quan này nằm ở trọng tâm trong việc thực hành mục vụ giáo dục.136 Giáo dục và loan báo Tin Mừng cho người trẻ được diễn ra ngang qua mối tương quan và sự trao đổi, tình bạn và sự đối thoại, những đề xuất và lời loan báo. Tất cả những điều này làm nên một môi trường giáo dục, nơi mà người trẻ cảm nếm được vẻ đẹp và sự hấp dẫn của đời sống Kitô hữu, được diễn tả trong niềm vui yêu thương và niềm vui được phục vụ Thiên Chúa: Hãy phụng sự Thiên Chúa trong niềm vui!137

Don Bosco biết rõ từng người trẻ của ngài, không chỉ biết tên và biết tính tình, nhưng còn biết cả nội tâm của từng em. Đối với các thanh thiếu niên, ngài chính là “người bạn trung tín của tâm hồn”, ngài biết rõ phải nói với từng người những điều đem lại lợi ích cho linh hồn họ. Môi trường đó tràn ngập sự tín nhiệm, lòng tin tưởng, những lời nói ngắn gọn nhưng chính xác, chất lượng - trong khoa sư phạm Salêdiêng vẫn hay được gọi là những lời rỉ tai - trở thành vũ khí thẩm thấu tâm trí và soi sáng cõi lòng người trẻ. Ta nói đến những lời mà Don Bosco đã nói riêng với từng người trẻ vào những giây phút bất ngờ nhất (giây phút chơi ở ngoài sân). Vì vậy, những lời rỉ tai có thể là lời thì thầm về Tin Mừng vào trái tim người trẻ làm kích hoạt nơi họ sự hào hứng được hiểu biết về Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài. Đó thực sự là phương cách tối ưu để cổ võ Lời loan báo đầu tiên, nhưng với điều kiện là người thực hiện phải là người có lối sống nhất quán với những gì mình loan báo.138

Mục vụ giới trẻ được sinh động bởi Lời loan báo đầu tiên

Mục vụ giới trẻ là một hoạt động chủ chốt của cộng đoàn Giáo dục - Mục vụ muốn giúp người trẻ có được sự trưởng thành cá nhân và đạt tới mức độ hiệp thông với Đức Giêsu Kitô trong Giáo Hội.139 Cha Pascual Chávez, cựu Bề trên Cả, đã chỉ ra cho anh em Salêdiêng thấy rằng “hoạt động mục vụ của chúng ta còn rất yếu về khía cạnh truyền giáo, nghĩa là chúng ta không lưu tâm đến Lời loan báo đầu tiên, hay là lời loan báo được canh tân trong Tin Mừng”. Chính vì vậy, ngài đã mời gọi hãy suy tư về mục vụ giới trẻ hầu có thể cống hiến chất lượng giáo dục và truyền giáo cho những đề xuất giáo dục-mục vụ, để có thể đưa người trẻ đến gặp gỡ Đức Giêsu.140 Kết quả của những suy tư này đã trở thành Khung tham chiếu tóm lược vô cùng hữu ích, một tầm nhìn chung của mục vụ Salêdiêng để trả lời cho những thách đố của thời đại hôm nay.141 Tuy nhiên, theo như Ubaldo Montisci nhận xét thì thật không may là trong đó mới chỉ có “năm lần đề cập đến Lời loan báo đầu tiên”.142 Ngay cả trong Những chỉ dẫn cho Sứ mệnh Giáo dục của FMA, tuy đã đặt “lời loan báo minh nhiên của Đức Giêsu” làm trọng tâm nhưng tài liệu cũng chỉ đề cập một lần đến Lời loan báo đầu tiên.143

Hãy nới rộng chỗ trong lều của chúng ta! Điều này đòi hỏi một sự hoán cải mang tính truyền giáo thực sự trong toàn bộ mục vụ giới trẻ, nhằm phục vụ cho Lời loan báo đầu tiên và lời loan báo được canh tân của Tin Mừng! Trong ánh sáng này, cần phải có não trạng đổi mới để tái suy tư, xây dựng và thử nghiệm những đường hướng khác nhau, thậm chí cả những gì còn tiềm ẩn mà đang gây cản trở cho niềm mong đợi và hy vọng của những người trẻ trong các trung tâm của chúng ta. Những giai đoạn hình thành nhân cách trong độ tuổi thanh thiếu niên và giai đoạn hình thành sự thân mật thâm sâu nơi người trẻ, là thời gian họ dễ được thu hút bởi những chất vấn về chân lý và ý nghĩa cuộc sống. Cũng từ đó, những nền tảng vững chắc của niềm tin được xây dựng để họ sống như những con người trưởng thành. Vì thế, điều cần thiết là xây dựng một môi trường với những cơ sở thích hợp, nơi mà các mối tương quan liên ngôi vị được chăm sóc, người trẻ có thể lui tới để làm những gì chúng yêu thích (thể thao, âm nhạc, họp nhóm, đi dạo,...), hoặc là để học tập hầu thăng tiến bản thân; một nơi mà người trẻ được hít thở những giá trị Tin Mừng và được gặp gỡ những con người có niềm xác tín sâu xa về những giá trị, mà đồng thời họ cũng là những chứng nhân.

Do đó, cần phải đào tạo các nhà giáo dục loan truyền Tin Mừng, cần giúp họ nâng cao phẩm chất tinh thần để họ có thể là những người có một ý thức truyền giáo sống động và một kinh nghiệm sống niềm tin sâu sắc, có khả năng tường thuật lại đời sống của chính mình về đức tin, về tình yêu, về niềm hy vọng và về tình bác ái. Do đó, việc đào tạo các nhà giáo dục loan báo Tin Mừng là một điều thiết yếu, nhất là cần phải nâng cao về tri thức thiêng liêng để họ có thể trở thành những người có ý thức truyền giáo mãnh liệt và có kinh nghiệm đức tin sâu sắc, có khả năng tường thuật lại kinh nghiệm niềm tin, niềm trông cậy và lòng mến của chính mình.144

Con đường để dõi theo

Để mục vụ giới trẻ của chúng ta được sinh động bởi Lời loan báo đầu tiên, và để việc thực hành hệ thống Giáo dục Dự phòng trở thành phương cách để đẩy mạnh lời loan báo này, cần phải có sự hoán cải ở cả ba chiều kích: Chiều kích nhân học, chiều kích thiêng liêng và chiều kích sư phạm. Hoán cải nhân học đòi hỏi mỗi người SDB và FMA phải cảm thấy lo âu trước thực tế của biết bao người trẻ không còn nghe Tin Mừng nữa, và họ chỉ giữ đạo cách đơn thuần như một yếu tố văn hóa mà thôi. Các SDB và FMA đi tìm những người trẻ nơi những vùng ngoại biên vì họ xác tín rằng dù vất vả và lao nhọc, nhưng những người trẻ này vẫn có một trái tim rộng mở cho Tin Mừng, và như những nhà giáo dục đã được thánh hiến, họ cũng có một Đấng nào đó để trao ban: Chúa Giêsu Kitô. Hoán cải thiêng liêng đích thực dẫn đến sự canh tân và củng cố ơn gọi của chúng ta để nên như một người bạn trung tín của tâm hồn và như một nhà giáo dục đức tin, làm sao để mỗi cuộc gặp gỡ với giới trẻ phải mang tính giáo dục và đậm chất Tin Mừng. Sau cùng là hoán cải mục vụ, điều này có nghĩa là giữ gìn nhiệt huyết và lòng hăng say tông đồ, làm sao để công việc giáo dục-mục vụ của chúng ta được sinh động hóa bởi Lời loan báo đầu tiên và trở thành một phương cách hữu hiệu để đem Tin Mừng đến cho người trẻ.145 Để hiện thực hóa điều này, chúng ta cần phải thay đổi não trạng và sửa đổi cơ cấu của chúng ta:

  • từ một sự hiện diện giữa những người trẻ như một thói quen đến sự hiện diện đầy sự chú tâm đến những cơ hội khác nhau để cổ võ cho Lời loan báo đầu tiên;146
  • từ mối bận tâm đến việc quản lý các công cuộc với vai trò điều hành của chúng ta, tới sự chú tâm và cổ võ cho những giá trị văn hóa tích cực, cùng với Giáo Hội địa phương, làm sao để những giá trị này làm phong phú việc áp dụng Hệ thống Dự phòng;147
  • từ việc hộ trực những người trẻ như một thói quen đến việc hộ trực theo tinh thần Salêdiêng, như cách thức đồng hành với người trẻ trong những chọn lựa của đời sống của họ, hầu cộng tác với Chúa Thánh Thần trong việc gợi lên trong họ sự hứng khởi để biết Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài;148
  • từ một “tiêu chí mục mục vụ thoải mái kiểu ‘từ trước đến giờ người ta vẫn làm thế’”,149 đến việc trở nên những người nam, người nữ đầy đức tin và lòng can đảm, được hun đúc bởi lửa nhiệt tình Da Mihi animas (Xin cho con các linh hồn). Đó là những con người luôn sống tinh thần truyền giáo thường trực, có khả năng suy tư, thực hành và trải nghiệm những đường hướng mới phục vụ cho Lời loan báo đầu tiên giữa những người trẻ.150

Lời kết

Đức Trinh nữ Maria thụ thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần (Lc 1,35; Mt 18.20) đã là “một thời khắc tuyệt hảo trong lịch sử cứu độ”.151 Mẹ đã không chỉ trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần, mà Mẹ còn “để cho Ngài dẫn dắt, trải qua một hành trình đức tin, dấn thân phục vụ và trổ sinh hoa trái”.152 Tiếng xin vâng của Mẹ đã thực sự rộng mở cho kế hoạch của Thiên Chúa và “cho con người của Đức Giêsu, cho tất cả công trình và sứ mệnh của Ngài”.153

Trong Tin Mừng theo thánh Luca, ngay lập tức sau lời truyền tin của sứ thần Gáprien, Mẹ Maria đã lên đường đi thăm viếng người chị họ Êlisabét (Lc 1,26-57). Sứ thần đã tỏ cho Mẹ một “dấu chỉ” để khẳng định về những gì đã được loan báo: “Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: Bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng” (Lc 1,26). Ở Ein Karem, Maria đã đích thân xác tín là “Không có gì mà Thiên Chúa không thể làm được” (Lc 1,37).

Để kết lại những suy tư về Lời loan báo đầu tiên, chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Maria để nhận được sức mạnh từ Mẹ, người đã vội vã lên đường đến nhà bà Êlisabét để loan báo Tin Mừng - Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế. Hành trình của Mẹ chính là một hành trình truyền giáo đích thực. Mẹ “vội vã lên đường băng qua vùng đồi núi” đã trở thành hình ảnh biểu tượng của Giáo Hội, ngay sau biến cố Chúa Thánh Thần Hiện xuống, đã vội vã lên đường để đem Tin Mừng đến tận cùng cõi đất. Trong buổi sáng của ngày lễ Hiện xuống, đang khi cầu nguyện, nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội chứng kiến giây phút khởi đầu của hành trình Phúc Âm hóa.154

Trên hành trình đến nhà của bà Êlisabét ở Ein Karem, Mẹ Maria đã không đắn đo về khoảng cách đường dài, cũng không đo lường thời gian, không ngại ngần về những bất tiện rủi ro có thể gặp. Mẹ là “nữ tỳ của Chúa”, Mẹ trở thành người giới thiệu Thiên Chúa ngang qua tình yêu và sự phục vụ của mình. Trên cuộc hành trình đó, Mẹ đã ôm ấp Đức Giêsu trong cung lòng của mình, Mẹ “lưu giữ tất cả những điều ấy và suy đi ngẫm lại” (Lc 2,19). Mẹ đã bước đi “vội vã” nhưng lại luôn ở lại với Thiên Chúa trong lòng. Đôi chân của Mẹ thoăn thoắt bước qua những nẻo đường đồi núi cũng chính là hình ảnh phản ánh hành trình của niềm tin. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria đã bước đi từ tiếng xin vâng ngoan ngoãn với thánh ý của Thiên Chúa, sau lời loan báo của sứ thần và niềm vui đã tuôn tràn trong tâm hồn khi Mẹ cất lên bản Magnificat, Mẹ đã trở thành sứ giả đem Chúa đến cho những người khác. Chính hành trình niềm tin hướng về Thiên Chúa ở trong lòng đã điều hướng mọi hành động bên ngoài của Mẹ, và làm cho tất cả trở nên có ý nghĩa. Nơi Mẹ, chúng ta nhìn thấy hình ảnh của những người đang nỗ lực sống Lời loan báo đầu tiên, những con người có khả năng hòa hợp giữa chiêm niệm và hoạt động, hòa hợp giữa niềm tin và lối sống. Hành trình của Mẹ cũng là biểu tượng của hành trình đức tin của mỗi người Kitô hữu, những người trước tiên biết thuận theo kế hoạch của Thiên Chúa và sau đó trở thành môn đệ truyền giáo của Ngài.

Hành trình của Mẹ Maria đạt đến đỉnh điểm trong cuộc gặp gỡ với bà Êlisabét: Cả hai người phụ nữ mang trong mình những mầu nhiệm không thể diễn tả thành lời. Cuộc hội ngộ này đã dẫn họ bước vào ngưỡng cửa của Cựu Ước và Tân Ước, giữa thời gian Thiên Chúa mặc khải ngang qua các dấu chỉ và các công trình của Ngài, với thời gian Ngài mặc khải chính mình ngang qua Ngôi Lời Nhập Thể.

Sự nâng đỡ lẫn nhau của họ đã trở thành không gian nơi Thiên Chúa mặc khải chính mình và thực hiện những điều vĩ đại. Bà Êlisabét ôm trong cung lòng mình thánh Gioan Tẩy giả, người sẽ đi loan báo và chuẩn bị cõi lòng con người để đón Thiên Chúa tối cao, còn Mẹ Maria lại là người cưu mang trong lòng mình chính Thiên Chúa tối cao. Thật vậy, chúng ta đã được chạm tới “thời kỳ viên mãn” (Gl 4,4).155

Thánh sử Luca đã khép lại trình thuật từ biến cố Truyền Tin đến thời thơ ấu của Đức Giêsu (Lc 2,8–20,51) bằng câu: “Mẹ Maria đã giữ tất cả những điều này trong lòng” (Lc 2,51). Từ giây phút Mẹ chiêm niệm về toàn bộ biến cố đã xảy ra, Mẹ đã thấu hiểu được công trình vĩ đại của Thiên Chúa trên cuộc đời của Mẹ và “nhận ra những dấu chân của Chúa Thánh Linh trong những sự kiện lớn lao, cũng như trong cả những gì bé nhỏ đời thường. Đó chính là sự chiêm niệm về mầu nhiệm của Thiên Chúa trong thế giới, trong lịch sử, trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người và của tất cả mọi người”.156

Trong Tin Mừng của mình, Thánh Gioan trao cho chúng ta những lời cuối cùng được viết về Đức Maria ở Cana, những lời duy nhất được gửi đến mọi người, như thể một “di chúc tâm linh”. Ngang qua lời mời gọi các đầy tớ trong tiệc cưới ở Cana “Hãy làm tất cả những gì Thầy nói”, Mẹ Maria đã diễn tả ý niệm căn bản cho mỗi người, đó là hãy mở tâm hồn cho Đức Giêsu, vì chỉ mình Ngài mới có “những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68). Tuy nhiên, chính lệnh truyền vắn tắt này đã thực sự trở thành Lời loan báo đầu tiên. Thật vậy, khi chúng ta đọc những lời cuối cùng này của Mẹ Maria trong sự liên kết với những lời cuối cùng của Đấng Phục Sinh, chúng ta thấy rõ rằng Đức Maria chính là người dẫn chúng ta đến với Đức Giêsu: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Tại Cana, đức tin sâu sắc của Mẹ được diễn tả trong tiếng xin vâng đã trở thành một lời mời gọi đầy xác tín đối với người khác. Chính nơi Đức Maria, ta nhận ra rằng chỉ khi kết hợp với Chúa một cách sâu sắc và cá vị, chúng ta mới có thể dẫn người khác đến với Chúa.157

Trên thập giá, Chúa Giêsu đã trao cho chúng ta chính Mẹ của Ngài (Ga 19,26-27), để Mẹ trở thành người Mẹ trên hành trình của chúng ta. Thật vậy, Mẹ Maria đã luôn nâng đỡ Giáo Hội, Mẹ ở gần và luôn đồng hành với chúng ta, Mẹ cùng ta chia sẻ mọi gian khó và luôn bảo vệ chúng ta bằng tình yêu của Chúa. Mẹ chính là nguồn cảm hứng và gương mẫu của tình mẫu tử mà tất cả các môn đệ truyền giáo cần phải nuôi dưỡng nơi mình.158

Tự bản chất, Giáo Hội là một nhà truyền giáo. Giáo Hội được mời gọi không ngừng chiêm ngắm mẫu gương là Đức Maria để biết tỏ lộ một cách hữu hiệu về Thiên Chúa ẩn mình, không chỉ ngang qua lời loan báo nhưng còn ngang qua chứng tá của tình yêu và tinh thần phục vụ, nhờ đó, khơi lên sự hào hứng muốn biết về Con Một Thiên Chúa, nhất là nơi những ai đang sống ở những vùng ngoại biên hiện sinh trong xã hội của chúng ta.

Đối với Don Bosco, Đức Trinh Nữ Maria là người hướng dẫn và là Đấng Phù Hộ cho mọi hoạt động của Ngài ở giữa giới trẻ. Đức Trinh nữ Maria đã trao phó các thanh thiếu nữ cho Mẹ Mazzarello coi sóc. Những điều này đã ghi khắc một cách sâu đậm về căn tính đoàn sủng và thiêng liêng của các nhóm thuộc về gia đình Salêdiêng. Trong khi tiếp tục bước đi trong hành trình của niềm tin, chúng ta hãy tận hiến bản thân cho Mẹ, để cho dẫu phải vượt qua sa mạc của thời đại hôm nay, chúng ta vẫn đáp lại sứ mệnh dấn thân cho Lời loan báo đầu tiên với tâm hồn quảng đại.159

Với lời kinh nguyện trên môi và với niềm hy vọng trong cõi lòng, cùng với tất cả những người trẻ được trao phó, chúng ta hãy cầu xin Mẹ ở với chúng ta như Mẹ đã ở cùng cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi trong ngày chờ đợi Thánh Thần Hiện xuống (Cv 1,14). Mẹ chính là người phù trợ và là người dẫn đường của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau để có được sự hòa quyện giữa đời sống kinh nguyện và đời sống hoạt động, để ngang qua chúng ta, Chúa Thánh Thần có thể gợi lên trong trái tim của muôn vàn bạn trẻ lòng khao khát muốn được biết, được bước theo người con yêu dấu trong cung lòng của Mẹ là Đức Giêsu Kitô!


Chú thích

132 Dicastero Per la Pastorale giovanile salesiana, La Pastorale Giovanile Salesiana. Quadro di Riferimento (Rôma: SDB, 2014), 143.

133 JOHN BOSCO, “Lá thư gởi từ Rôma cho Cộng thể Salêdiêng của Nguyện xá ở Torino-Valdocco”, in istituto storico salesiano, Fonti Salesiane. 1. Don Bosco e la Sua Opera (Rome: LAS, 2014), 444-451.

134 GLORIA ELENA GARCIA PEREIRA, “Las Oportunidades y los Desafíos del Primer Anuncio para SDB y FMA en América Latina y Caribe”, 134-135, 139-140; 146; ISTITUTO FIGLIE DI MARIA AUSILIATRICE, Perché Abbiano Vita, Vita in Abbondanza. Linee Orientative della Missione Educativa delle FMA (LDC: Turin, 2005) 30.

135 GIOVANNI PAOLO II, Letter Iuvenum Patris (Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 1988), n. 8.

136 MARIA AROKIAM KANAGA, “Meaning, Opportunities and Challenges of the Salesian Presence among Muslims”, in Salesian Presence among Muslims, 131-132.

137 PIERA RUFFINATTO, “Il Sistema Preventivo Spazio del Primo Annuncio in Stile Salesiano” in Giornate di Studio sul Primo Annuncio in Città, 184-186, 196-199.

138 Ibid, 193-195.

139 ISTITUTO FIGLIE DI MARIA AUSILIATRICE, Perché Abbiano Vita, Vita in Abbondanza, 5, 37.

140 PASCUAL CHAVEZ VILLANUEVA, “La Pastorale Giovanile Salesiana” in ACG 107 (2010), 23.

141 FABIO ATTARD, “Presentazione”, La Pastorale Giovanile Salesiana. Quadro di Riferimento, 9.

142 UBALDO MONTISCI, “La Pastorale Giovanile e la Città: la Sfida e la Gioia del Primo Annuncio”, nota 68, p. 160.

143 ANTONIA COLOMBO, “Presentazione”, Perché Abbiano Vita, Vita in Abbondanza, 5.

144 ISTITUTO FIGLIE DI MARIA AUSILIATRICE, Perché Abbiano Vita, Vita in Abbondanza, 161, 171, 173-174, 175-179.

145 PIERA RUFFINATTO, “Hệ thống Dự phòng, Không gian của Lời loan báo đầu tiên theo Phong cách Salêdiêng” trong Giornate di Studio sul Primo Annuncio in Città, 199-202.

146 JOSEPH PHUOC, ALMA CASTAGNA, “Emerging Insights and Perspectives during these Study Days in View of a renewed Missionary Praxis”, 114, 119; “Prospettive Emergenti nelle Giornate di Studio: La Città, Spazio e Opportunità per il Primo Annuncio”, 208.

147 RUTH DEL PILAR MORA, ALEXIUS MULONGO, “Emerging Insights and Perspectives during the Study Days in View of a Renewed Missionary Praxis in Africa and Madagascar”, 128-129; RUNITA BORJA, PIERGIORGIO GIANAZZA, “Prospettive Emergenti nelle Giornate di Studio in Vista di una Rinnovata Prassi Missionaria”, 158.

148 ANA MARIA FERNANDEZ, ISABEL MADRID CISNEROS, RAFAEL ANDRÉS BORGES, “Ensancha sin Miedo el Espacio de tu Tienda”, 175,176, 178.

149 FRANCESCO, Evangelii Gaudium, n. 33.

150 “Prospettive Emergenti nelle Giornate di Studio: La Città, Spazio e Opportunità per il Primo Annuncio”, 209-210.

151 PAOLO VI, Esortazione Apostolica Marialis Cultus (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 1974), n. 26.

152 FRANCESCO, Evangelii Gaudium, n. 287.

153 GIOVANNI PAOLO II, Enciclica Redemptoris Mater (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 1987), n. 39.

154 PAOLO VI, Evangelii Nuntiandi, n. 82.

155 MARIA KO HA FONG, “Marie se leva et Partit en Hâte vers la Région Montagneuse”, Journées d’Etudes sur la Première Annonce du Christ en Afrique et à Madagascar, 179-186; Idem, “Mary the ‘First Evangelised’ and the ‘First Evangeliser’”, in The Salesian Mission and the Initial Proclamation of Christ in the Three-fold Context of South Asia, 146-147.

156 FRANCESCO, Evangelii Gaudium, n. 288.

157 MARIA KO HA FONG, “Mary the ‘First Evangelised’ and the ‘First Evangeliser’”, 148-150.

158 FRANCESCO, Evangelii Gaudium, 285-286; GIOVANNI PAOLO II, Redemptoris Missio, n. 92.

159 Carta D’Identità della Famiglia Salesiana (2012), art 11, 37.

Chương VI. Chứng tá của đời sống và của lòng bác ái như là Lời loan báo đầu tiênPhụ chương. Những tóm kết mang tính thực hành của Những ngày nghiên cứu từ 2010-2015