Chương VI. Chứng tá của đời sống và của lòng bác ái như là Lời loan báo đầu tiên

“Chính anh em hãy cho họ ăn!”

Tin Mừng theo Thánh Máccô (6,30-44) kể lại cho chúng ta rằng Đức Giêsu chạnh lòng thương đám đông đã đi theo Ngài, vì họ như đàn chiên không người chăn dắt. Chắc hẳn các môn đệ không nghĩ mình phải có trách nhiệm cho cả một đám đông như vậy ăn. Các ông hỏi Đức Giêsu nhằm để giải tán đám đông nhưng Ngài lại nói với họ: “Chính anh em hãy cho họ ăn!”. Đức Giêsu muốn giúp các môn đệ hiểu rằng thay vì tránh né nhu cầu của những người dân thì cần phải tự chất vấn mình: “Chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ họ?”

Bằng lời mời gọi: “Chính anh em hãy cho họ ăn!”, Đức Giêsu đẩy các môn đệ từ một thái độ thụ động đến sự tham gia tích cực, từ một khoảng cách lạnh lùng với các vấn đề của thế giới đến việc chìm sâu hơn vào lịch sử. Ở đây, Đức Giêsu chỉ ra cách rõ ràng ước muốn của Ngài là những ai bước theo Ngài thì cũng phải biết chạnh lòng thương với con người, cũng phải có được cõi lòng vồn vã và tình yêu mãnh liệt. Vì vậy, Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Anh em có mấy chiếc bánh? Anh em hãy đi coi xem”. Năm chiếc bánh và hai con cá thì quá ít với một đám đông như thế. Nhưng cái ít ỏi lại trở thành chất liệu để làm nên phép lạ. Trong tay Đức Giêsu, một chút ân huệ đã được biến đổi để làm no thỏa một đám đông. Ngay cả các môn đệ cũng được biến đổi từ những người ngoài cuộc với thái độ lãnh đạm trở nên những người thực sự chìm ngập trong lòng thương cảm của Đức Giêsu với tinh thần cộng tác năng động để làm nên phép lạ.98

Chứng tá

Loan báo Tin Mừng không chỉ được thực hiện qua việc rao giảng công khai về Phúc Âm hay làm các công cuộc. Không nên rơi vào tình trạng quá chú trọng vào việc loan báo Tin Mừng cho đám đông mà lãng quên những chứng tá mang tính cá nhân, vì nó vốn là cách thức khác của việc chuyển tải Tin Mừng từ người này sang người kia. Hình thức loan báo này luôn là một con đường đem lại những hiệu quả lớn lao trong việc loan truyền Tin Mừng, bởi vì nó đi đến và chạm vào lương tâm con người theo một cách thức hết sức lạ lùng.99 Trong giai đoạn tiếp theo của việc loan báo Tin Mừng, vào thời điểm thuận tiện, tính ưu việt của chứng từ và lối sống cũng không bỏ qua cơ hội để thực hiện một lời loan báo minh nhiên.

Lời loan báo đầu tiên “không thể tách rời khỏi chứng từ tích cực của người loan báo”.100 Thực vậy, chứng từ là một yếu tố quan trọng trong việc truyền bá niềm tin vì “đức tin bắt nguồn từ sự lắng nghe (fides ex auditu). Đến lượt mình, sự lắng nghe cũng trở thành người bạn song hành. Niềm tin không phải là sản phẩm của việc suy tư, càng không phải là sự tìm kiếm để chìm sâu vào trong bản thân mình. Cả hai điều này đều có thể có, nhưng vẫn chưa đủ, bởi vì để có thể tin thì tôi cần những chứng nhân đã gặp Chúa, và họ giúp tôi có thể mở ra cho Ngài”.101

Chứng từ này được bén rễ sâu cả trong thái độ tôn trọng và đánh giá cao các giá trị tôn giáo và con người nơi các người bạn hữu và láng giềng chưa biết đến Đức Kitô. “Chứng tá đích thực đòi phải nhận biết và kính trọng người khác, sẵn sàng đối thoại trong chân lý, kiên nhẫn, như là một khía cạnh của tình yêu, sự đơn sơ và khiêm tốn của người nhận biết rằng mình là kẻ có tội trước mặt Thiên Chúa và tha nhân, có khả năng tha thứ, hòa giải và thanh tẩy ký ức, ở mức độ cá nhân và cộng đoàn”.102

Chứng tá của đời sống Kitô hữu đích thực và việc thực hành bác ái là Lời loan báo đầu tiên, bởi vì nó thách thức người khác phải chất vấn về chính lối sống, các giá trị và những gì thuộc về họ. Đây là một lời mời gọi thường hằng và là một thách đố cho người khác để họ phải đi sâu vào bản thân một cách cá vị hơn, ý thức một cách sâu sắc hơn và làm bật ra những chất vấn về ý nghĩa cuộc sống. Chứng tá của cuộc sống và việc thực hành bác ái là những phương tiện sơ khởi của Lời loan báo đầu tiên. Trước hết, điều này đòi ta phải sống trong thái độ hoàn toàn sẵn sàng với Chúa Thánh Thần, để Ngài uốn nắn nội tâm ta trở nên giống như Đức Kitô. Thật vậy, “người ta không thể làm chứng về Đức Kitô mà không phản chiếu dung mạo của Ngài, dung mạo của Đức Giêsu được sống động trong chúng ta nhờ ân sủng và công trình của Chúa Thánh Thần”.103 Do đó, việc tiếp cận cá nhân, các mối tương quan liên ngôi vị và cuộc đối thoại diễn ra trước đó, được đi kèm và dõi theo với lòng bác ái, cùng với sự linh hứng của Thần Khí, tất cả đó là những yếu tố có tầm quan trọng lớn lao bởi vì chứng tá của lòng bác ái sẽ gợi hứng, chất vấn và thách thức.104 Những vấn nạn này được đặt ra mà không mang bóng dáng của chủ trương lôi kéo, nhưng được diễn ra với sự tôn trọng phẩm giá con người và với sự tự do của lương tâm.

Những cử hành niềm tin và những diễn tả của lòng đạo đức bình dân cũng là nơi chốn để cổ võ, tạo điều kiện thuận lợi cho Lời loan báo đầu tiên. Vì vậy, cần phải lưu tâm và chăm sóc cách đặc biệt những hoạt động mục vụ “truyền thống” (cử hành các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh tẩy, Bí tích Hôn phối, hành hương, lòng đạo bình dân), bởi vì những hoạt động này phản chiếu đời sống của Giáo Hội. Khi những cử hành này được chuẩn bị cách chu đáo, một mặt, có thể giúp truyền cảm hứng cho việc đào sâu đời sống theo Phúc Âm, đồng thời cũng giúp nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng của những thành viên tham dự. Mặt khác, những thực tại này có thể làm cho niềm tin trở nên hấp dẫn và có thể khơi lên nơi những người chưa được biết Đức Giêsu sự hứng thú tìm hiểu về con người của Ngài.105

Cùng một mức độ như thế, cần phải đương đầu với những khả thể và những thách đố đến từ những biên cương mới (ví dụ, thế giới kỹ thuật số, thực trạng di dân, những hình thức đa tôn giáo và đa văn hóa) cũng như những hoàn cảnh làm thay đổi văn hóa (ví dụ, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thế tục, dòng biến chuyển của xã hội, tính thế tục), bởi vì tất cả những điều này ảnh hưởng đến lối sống của người tín hữu. Quan trọng là làm sao tìm ra và kiến tạo được cơ hội hoặc nơi chốn để gặp gỡ, nơi mà người ta cảm thấy tự do để nói về những chất vấn trên ý nghĩa cuộc sống và về tôn giáo, nơi mà người ta cảm thấy được hiểu và được lắng nghe.106

Là những người nam và người nữ của Thiên Chúa, của đức tin vững mạnh, của lòng can đảm, nỗ lực sống các Mối phúc Tin Mừng, sống sự tha thứ, đón tiếp, yêu thương đến độ hiến dâng cuộc sống của mình cho người khác để họ “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10) thì họ mãi mãi là những ngôn sứ.107 Chứng từ của các tông đồ được hun đúc bởi tình yêu dành cho Đức Giêsu trong cuộc sống hàng ngày, trở nên một lời mời gọi có sức thu hút những người khác tìm hiểu về động lực và nguyên do sâu xa của một lối sống như thế. Một chứng nhân khả tín sẽ khơi gợi lên những chất vấn về ý nghĩa cuộc sống theo kiểu: “Tại sao bạn lại sống như thế?”, “Tại sao bạn làm như vậy?”. Vì vậy, những chất vấn này trở thành một “con đường thực sự chuẩn bị dẫn đến đức tin”.108 Sự chú tâm đến tầm quan trọng của lối sống Kitô hữu liên quan đến Lời loan báo đầu tiên sẽ giúp vượt qua nguy cơ coi Kitô Giáo chỉ đơn thuần là một tổng hợp của các giáo thuyết.

Khi chứng tá đời sống của người Salêdiêng và công việc tông đồ làm nảy sinh nơi những người chúng ta gặp gỡ và nơi những người quan sát chúng ta ước muốn đặt những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống, chúng có thể giúp họ tìm kiếm chân lý, lúc đó sự hiện diện của chúng ta thực sự trở thành muối và ánh sáng đích thực (Mt 5,13-16) và nó khác hẳn với một sự hiện diện “không hương vị” (Mt 5,13). Thật vậy, chứng tá đời sống của từng Kitô hữu, hoặc của các gia đình Kitô hữu, cung cách sống của các SDB và FMA, của các cộng đoàn tu sĩ và toàn thể cộng đoàn tín hữu, hình ảnh về các tổ chức dòng tu hay về Giáo Hội trong tất cả mọi hình thái diễn tả công khai, đều là hình thức của Lời loan báo đầu tiên, hoặc cũng là yếu tố làm cản trở cho lời loan báo này.109 Điều này có nghĩa là mọi tín hữu và cộng đoàn Kitô hữu cần sống tâm tình hoán cải liên tục trong hành trình hướng tới sự thánh thiện. Điều này bắt đầu trước hết từ chính gia đình, và cũng là Hội Thánh tại gia. Chứng tá đời sống của cha mẹ và môi trường giáo dục trong gia đình khơi dậy sự hứng thú của trẻ em, để biết rõ hơn về Đức Giêsu Kitô và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển niềm tin của trẻ, từ đó, họ sống các lời được dạy và trở thành những nhân chứng khả tín.

Đức ái

Ngay cả khi chứng tá đời sống là cần thiết, thì điều ấy vẫn chưa đủ. Nó cần phải được chuẩn bị trước, được đồng hành và dõi theo với lòng bác ái, bởi vì chứng tá của lòng bác ái gợi lên những chất vấn, thách thức trí tuệ ôm ấp những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống và về tôn giáo. Mặt khác, việc thực hành đức ái đi đôi với lối sống khả tín của từng Kitô hữu, gia đình Kitô hữu và toàn thể cộng đoàn Giáo Hội. Chứng tá của đời sống và của đức ái được xảy ra trong những diễn tả văn hóa của những thời khắc quan trọng trong đời sống nhân loại, hoặc là trong tất cả các lối biểu hiện tương quan hoặc xã hội-chính trị của đời sống hàng ngày.

“Chính anh em hãy cho họ ăn!”. Một Kitô hữu thực sự sẽ nhận ra Đức Giêsu nơi những người đói rách, tù tội, đau ốm, trần truồng, nơi những người phải nuôi cả gia đình nhưng lại không có công ăn việc làm. Nhìn thấy Đức Giêsu trong những người cô đơn, buồn chán, trong những người đã phạm sai lầm đang cần những lời khuyên, trong những người đang cần một ai đó bước chung với họ một đoạn đường để họ cảm thấy mình được đồng hành.110 Chứng tá Kitô hữu cũng được thể hiện qua việc phục vụ cho sự hòa giải, cho sự công bằng và hòa bình, thông qua việc bận tâm dành cho những người bị áp bức, cho người không có tiếng nói, bị loại trừ, thông qua việc đấu tranh cho công lý và hòa bình, và nỗ lực cho sự phát triển toàn diện của con người, cho sự hòa giải và cho việc xây dựng một xã hội nhân bản hơn.111 Trong thực tế, những hành động của lòng xót thương là đặc điểm của dung mạo Đức Giêsu Kitô, Đấng hằng chăm sóc những “anh em bé mọn của mình” (Mt 25,40) để trao cho họ cõi lòng gần gũi và trìu mến của Thiên Chúa.112

Đây là lý do tại sao chứng tá của lòng bác ái và sự phục vụ chân thành của mỗi Kitô hữu được sống với niềm tin, hy vọng và tình yêu và nhờ kinh nguyện, lại trở thành sự truyền thông chính kinh nghiệm của mình về Thiên Chúa. Chứng tá của đức ái và sự phục vụ chân thành được nhắc đến trong lời của Thánh Phanxicô Átsisi: “Hãy luôn luôn rao giảng, và khi nào thật cần thiết thì hãy dùng lời nói!”

Ngoài ra, việc loan báo Đức Kitô trước hết là một hành vi bác ái vì làm cho người khác nhận biết tình yêu Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta.113 Do vậy, những nơi mà Giáo Hội đang nỗ lực giúp đỡ người bệnh tật, đau khổ, người nghèo, người di dân và người bị loại trừ, nơi mà Giáo Hội đang đấu tranh cho công lý, hòa bình và sự toàn vẹn của công trình sáng tạo, chính là những bối cảnh thuận lợi cho Lời loan báo đầu tiên. Nhưng có hai mối nguy hiểm cần tránh: Trước hết, đó là sự xao lãng trong Lời loan báo đầu tiên như mục tiêu cơ bản của những nỗ lực xã hội nơi chúng ta. Nếu thiếu mối bận tâm chính yếu là thúc đẩy Lời loan báo đầu tiên, thì những công cuộc xã hội của chúng ta sẽ biến thành việc từ thiện thuần túy và chúng ta chỉ là những nhân viên xã hội mà thôi. Tuy nhiên, đó không phải là Giáo Hội cũng không phải là một Dòng Tu, mà là một tổ chức phi chính phủ (ONG).114 Một mối nguy hiểm khác đó là làm cho chứng tá của đức ái bị lầm đường qua chủ trương nhiệt tình lôi kéo, khi mà ngang qua các công cuộc xã hội, người ta cung ứng vật chất hay thiện ích xã hội cho các đối tượng, để có được nơi họ sự hứng khởi bên ngoài trong việc đi theo Đức Giêsu.115

Chúng ta ý thức rằng trong bối cảnh đa tôn giáo, trong nhiều trường hợp, sự hiện diện của chúng ta chỉ giới hạn trong việc làm chứng tá cách thầm lặng trong cuộc sống và hành động ngang qua một đời sống Kitô hữu đích thực.116 Đây là thực tế của những ai đang âm thầm làm việc với những anh em Hồi Giáo, Ấn Giáo, hoặc thậm chí cả Phật Giáo. Đó là lý do giải thích vì sao mà Kitô Giáo được diễn tả qua “phong cách sống” lại trở nên quan trọng đến thế, bởi nó là một hình thức của Lời loan báo đầu tiên. Trong ánh sáng đó, tình bạn hay cách thức tương quan rộng mở và đón tiếp với các dân tộc và văn hóa khác nhau, các tôn giáo khác nhau và với các chính thể xã hội khác nhau trở thành Lời loan báo đầu tiên.117 Như vậy, cuộc sống thường nhật giữa các dân tộc là một đấu trường của đối thoại, của sự đối thoại liên văn hóa, đối thoại liên tôn, đây cũng là nền tảng để xây dựng trên đó một cuộc đối thoại thần học và tâm linh. Vì vậy, chứng tá Kitô hữu trong đời sống hằng ngày trở thành một biểu hiện sống động của Đạo Công Giáo cho những ai chưa biết Đức Kitô. Như vậy, “phong cách” sống đời sống thường ngày cũng trở thành Lời loan báo đầu tiên và là một hành trình tiệm tiến dẫn đến niềm tin.118

Sự hoán cải trong bối cảnh đa tôn giáo

Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi và đạt tới sự hiểu biết chân lý. Đức Giêsu Con của Người là Đấng Cứu Độ duy nhất và “không một ai khác ngoài Ngài có ơn cứu độ” (Cv 4,12). Tuy nhiên, nhờ hành động vô hình của Thánh Linh, Thiên Chúa có thể đem ơn cứu độ đến cho những người đã không biết đến Tin Mừng nhưng không phải do lỗi của họ, qua những con đường mà chỉ Thiên Chúa biết. Tuy thế, tất cả cần được hoán cải và trở về với Đức Kitô, được tháp nhập vào Ngài và vào Thân Thể của Ngài là Giáo Hội, ngang qua Bí tích Rửa tội.119

Chủ đề hoán cải trong bối cảnh của Lời loan báo đầu tiên chắc chắn sẽ là một vấn đề khó khăn trong môi trường đa văn hóa và đa tôn giáo. Trong thực tế, Lời loan báo đầu tiên luôn tôn trọng tự do của lương tâm. Không bao giờ được dùng bạo lực ép buộc tự do lương tâm của con người và cũng đừng bao giờ để ai đó bị thay đổi bởi sự nhiệt tình lôi kéo người khác nơi chúng ta. Nhiệt tình lôi kéo là sự không tôn trọng những người mà chúng ta gặp gỡ, và nó cũng không phù hợp với linh đạo Salêdiêng của chúng ta, một linh đạo có lối tiếp cận dựa trên những yếu tố nền tảng là lý trí và tình thương mến. Chúng ta ý thức rằng chân lý không phải là sở hữu của riêng ai, và cũng không thể áp đặt nó cho người khác. Trái lại, nó là một hồng ân chỉ được hé lộ trong một cuộc gặp gỡ của tình yêu đang khi cùng nhau tiến bước hướng tới sự thấm nhuần chân lý mỗi ngày một hơn.120 Trong hành trình này “chính hoạt động của Thánh Thần đã mở ra và chuẩn bị cõi lòng của con người để họ đón nhận chân lý Tin Mừng”.121 Tuy nhiên, “chúng ta không được rụt rè khi Thiên Chúa mở ra cho chúng ta cánh cửa để chúng ta công bố một cách minh nhiên Đức Giêsu Kitô là Đấng cứu thế, và như lời giải đáp cho tất cả mọi chất vấn nền tảng của nhân loại”.122

Một sự hoán cải đích thực thì đưa tới một nhận thức đúng thật về Thiên Chúa, và đến lượt mình, hướng đến việc mở ra cho mối tương quan qua lại với người khác. Đây là sự hoán cải trở về với Thiên Chúa, là yếu tố quan trọng nền tảng và là yếu tố không thể thiếu được đối với Lời loan báo đầu tiên. Tuy vậy, cũng cần phải nhấn mạnh rằng sự hoán cải đích thực tùy thuộc vào lời mời gọi của Thiên Chúa trong nội tâm và vào quyết định tự do của mỗi người. Do đó, các Giám mục Á châu khẳng định rằng “cuộc đối thoại nhắm đến việc hoán cải người khác về với niềm tin và truyền thống tôn giáo của mình là bất lương và vô đạo đức”.123

Quả vậy, một cuộc đối thoại liên tôn chân thành và đích thực không thể có mục đích nhằm hoán cải người khác, cho dẫu chúng ta cũng không loại trừ hoàn toàn trường hợp này. Và nếu xảy đến một sự hoán cải chân thành thì điều đó là hồng ân của Thiên Chúa chứ không phải là hoa trái đến từ của nỗ lực của con người.

Trái lại, trong mối tương quan liên tôn, mọi người đều được mời gọi hoán cải trở về với Thiên Chúa và với truyền thống tôn giáo của mình cách sâu sắc hơn, ngang qua việc làm giàu lẫn cho nhau và hiệp thông trong tinh thần với những người theo các tôn giáo khác. Như vậy, ngang qua lời loan báo lần đầu tiên, chúng ta chia sẻ “kinh nghiệm niềm tin tôn giáo và tình yêu của Đức Giêsu, không phải là để lôi kéo, nhưng đơn giản chỉ là chia sẻ những gì chúng ta là, với tình bạn trong sáng và với tinh thần hiệp nhất. Cho dẫu vậy, người tín hữu cũng không thể bỏ qua khi có thể đem Tin Mừng cứu độ đến với những ai khao khát lắng nghe và đón nhận nó một cách tự do”.124

Con đường để dõi theo

Qua kinh nghiệm, chúng ta biết rằng những người đau khổ vì nghèo vật chất lại thường giàu có hơn về những diễn tả tôn giáo và văn hóa, qua những biểu tượng và lễ nghi của họ. Đồng thời, chúng ta ý thức rằng không thể công bố Đức Giêsu cho người nghèo mà lại không giúp họ bớt khổ cực hơn, để họ có thể sống phẩm giá của mình như những người con của Chúa. Chúng ta cũng ý thức rằng, rất nhiều người trong họ quý chuộng những phục vụ nhằm nâng cao phẩm giá mà chúng ta đã thực hiện cho họ, nhưng họ lại chẳng quan tâm để hiểu biết hơn về Đức Giêsu, và thật không may, chúng ta cũng không lưu ý để gợi lên nơi họ những chất vấn thâm sâu về ý nghĩa của đời sống con người.125 Tại nhiều nơi chúng ta làm việc, chúng ta không thể loan báo Tin Mừng một cách minh nhiên. Nhiều lần chúng ta buộc phải yên lặng, và hiện diện cách âm thầm. Trong những bối cảnh này, chứng tá của chúng ta là một lời loan báo sâu sắc.126 Để cho chứng tá của đời sống và của lòng bác ái trở thành Lời loan báo đầu tiên, chúng ta cần phải hoán cải não trạng và thay đổi cơ cấu:

  • từ thái độ coi nghèo đói như sự cản trở cho việc loan báo Tin Mừng, và những người nghèo chỉ như đối tượng của các công cuộc xã hội của chúng ta, đến một thái độ biết nhìn người nghèo mà chúng ta đang phục vụ như cơ hội để hiểu Tin Mừng và những công cuộc xã hội của chúng ta (kế hoạch phát triển nông thôn, nhà ở, y tế, giáo dục và đào tạo nghề nghiệp) như không gian và cơ may để cổ võ cho Lời loan báo đầu tiên;127
  • từ các hoạt động và sáng kiến xã hội quay cuồng đến một tinh thần chiêm niệm biết lưu tâm đến cái là hơn là cái làm và sự thành công, nhờ vậy chúng ta trở thành Tin Mừng sống động cho các anh chị em thuộc các tôn giáo khác;128
  • từ thái độ tương đối và ôn hòa cách ngây thơ với những người thường hay lui tới các công cuộc của chúng ta nhưng theo tôn giáo khác (gồm người trẻ và người lớn), tới một nền giáo dục toàn diện (cho các nhà giáo dục và người trẻ), khởi đi từ những yếu tố tích cực, trong khi vẫn lưu ý tới lời nhắn nhủ và minh họa mà Chúa Giêsu đưa ra: “Hãy khôn ngoan như rắn và đơn sơ như chim bồ câu” (Mt 10,16);129
  • từ một thái độ coi những người đi theo tôn giáo khác là đối tượng để loan báo Tin Mừng, tới một thái độ biết đánh giá cao các truyền thống tôn giáo của họ và những gì Thiên Chúa đã làm cho họ: đặc biệt là khuynh hướng chiêm niệm vốn dẫn đến sự thinh lặng, thoát ly khỏi bản thân, chăm sóc và có lòng trắc ẩn với người khác, và chúng ta cần biết rằng đây là những nguồn lực tạo điều kiện cho Lời loan báo đầu tiên;130
  • từ một não trạng cho rằng các Salêdiêng và người Con Đức Mẹ Phù Hộ sẽ học biết cách làm việc với những tín hữu thuộc tôn giáo khác trong khi thực hiện sứ mệnh, tới một não trạng biết chuẩn bị những chương trình cho mọi giai đoạn đào luyện ban đầu và đào tạo chuyên môn, để những anh chị em này có khả năng đạt đến những kế hoạch giáo dục và mục vụ thích hợp;131

Chú thích

98 MARIA KO HA FONG, “¿Cuantos Panes Tienen? Vayan a Ver”, in Jornadas de Estudio del Primer Anuncio al Discipulado Misionero en América y el Caribe, 205-208.

99 CONGREGAZIONE PER LA DOTTRINA DELLA FEDE, Nota Dottrinale su Alcuni Aspetti dell’Evangelizzazione (Libreria Editrice Vaticana: Vaticano, 2007), n. 11.

100 UBALDO MONTISCI, lorenzina colusi, “Orizzonti di Primo Annuncio per la Famiglia Salesiana in Europa Oggi: Condizioni, Strategie, Metodologie, Contenuti”, 93.

101 JACQUES SERVAIS, “Intervista al Papa Emerito Benedetto XVI”, 4.

102 BENEDETTO XVI, Ecclesia in Medio Oriente, n. 12.

103 GIOVANNI PAOLO II, Redemptoris Missio, 87.

104 “Prospettive Emergenti nelle Giornate di Studio: La Città, Spazio e Opportunità per il Primo Annuncio”, in Giornate di Studio sul Primo Annuncio in Città, 206.

105 ANA MARIA FERNANDEZ, ISABEL MADRID CISNEROS, RAFAEL ANDRÉS BORGES, “Ensancha sin Miedo el Espacio de tu Tienda”, 176-177.

106 UBALDO MONTISCI, lorenzina colusi, “Orizzonti di Primo Annuncio per la Famiglia Salesiana in Europa Oggi: Condizioni, Strategie, Metodologie, Contenuti”, 97-100.

107 RUNITA BORJA, PIERGIORGIO GIANAZZA, “Prospettive Emergenti nelle Giornate di Studio in Vista di una Rinnovata Prassi Missionaria”, in Giornate di Studio sulla Presenza Salesiana tra i Musulmani, 153-154, 158.

108 GIOVANNI PAOLO II, Enciclica Fides et Ratio, n. 67.

109 ANDRÉ FOSSION, “Proposta della Fede e Primo Annuncio”, Catechesi 78, no. 4 (2008-2009): 29-34; 30; LUCA BRESSAN, “Quali Esp erienze di Annuncio Proporre?”, Notiziario dell’Ufficio Catechistico Nazionale 36, no. 1 (2007), 61-68.

110 FRANCESCO, Udienza Generale, 30 giugno 2016.

111 GIOVANNI PAOLO II, Ecclesia in Africa, n. 44-45, 68, 77; BENEDETTO XVI, Africae Munus, n. 15.

112 FRANCESCO, Udienza Generale, 12 ottobre 2016.

113 FRANCESCO, Messaggio per la Giornata Missionaria Mondiale (2016).

114 FRANCESCO, Omelia alla Casa Santa Martha, 24 aprile 2013.

115 PAOLO RICCA, “Il Primo Annuncio tra Afonia e Proselitismo”, AA. Primo Annuncio. Tra Afonia e Proselitismo. Le Religioni si Interrogano (Livorno: Pharus, 2015) 62-66.

116 PAOLO VI, Evangelii Nuntiandi, n. 41.

117 TC GEORGE, THERESA JOSEPH, “Emerging Insights and Perspectives during these Study Days in View of a Renewed Missionary Praxis”, Study Days on the Salesian Mission and the Initial Proclamation of Christ in South Asia (Rôma: SDB-FMA, 2013), 94.

118 GIOVANNI PAOLO II, Fides at Ratio, n. 67; CHRISTOPH THEOBALD, Le Christianisme Comme Style, vol. 1 (Cerf: Paris, 2007), 125-131, 188-189, 385-387; ANGELO FERNANDES, “Dialogue in the Context of Asian Realities”, Vidyajyoti Journal of Theological Reflection 55 (1991): 548.

119 AD GENTES, n. 7; CONGREGAZIONE PER LA DOTTRINA DELLA FEDE, Nota Dottrinale su alcuni Aspetti dell’Evangelizzazione (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana: 2007), n. 10; PONTIFICO CONCILIO PER IL DIALOGO INTERRELIGIOSO, Dialogo e Annuncio (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 1991), n. 29.

120 BENEDETTO XVI, Ecclesia in Medio Oriente, n. 27; PONTIFICO CONCILIO PER IL DIALOGO INTERRELIGIOSO, Dialogo e Annuncio, n. 41, 79.

121 CONGREGAZIONE PER LA DOTTRINA DELLA FEDE, Nota Dottrinale su alcuni Aspetti dell’Evangelizzazione, n. 4.

122 FEDERATION OF ASIAN BISHOPS CONFERENCES, “V Plenary Assembly”, 4.3 in Gaudencio Rosales, Cayetano G. Arevalo (a cura di), For All Peoples of Asia, vol. I (Quezon City: Claretian Publications, 1997), 282.

123 BISHOPS’ INSTITUTE FOR INTERRELIGIOUS AFFAIRS V/3, “Working for Harmony in the Contemporary World”, 6 in Franz-Josef Eilers (a cura di), For All Peoples of Asia, vol. II (Quezon City: Claretian Publications, 1997), 158.

124 FEDERATION OF ASIAN BISHOPS CONFERENCES, “VIII Plenary Assembly”, 97 in Franz-Josef Eilers (a cura di), For All Peoples of Asia, vol. IV (Quezon City: Claretian Publications, 2007), 36; PAOLO VI, Evangelii Nuntiandi, n. 53: “Không phải vì kính trọng và quý mến các tôn giáo đó, không vì vấn đề đã nêu lên quá phức tạp mà Giáo Hội phải thinh lặng không rao giảng Đức Kitô cho những người không Công Giáo. Ngược lại, Giáo Hội nghĩ rằng, những người này có quyền biết sự phong phú của mầu nhiệm Đức Kitô (Ep 3,8), trong đó Ta tưởng rằng toàn thể nhân loại có thể tìm thấy một cách đầy đủ tất cả những gì họ đang mò mẫm tìm tòi về Thiên Chúa, về con người, về định mệnh của con người, về sự sống và sự chết, về chân lý.”

125 JOSEPH PHUOC, ALMA CASTAGNA, “Emerging Insights and Perspectives during these Study Days in View of a Renewed Missionary Praxis”, 115; 118.

126 “Prospettive Emergenti nelle Giornate di Studio: La Città, Spazio e Opportunità per il Primo Annuncio”, 206.

127 JOSEPH PHUOC, ALMA CASTAGNA, “Emerging Insights and Perspectives during these Study Days in View of a Renewed Missionary Praxis”, 115; TC GEORGE, THERESA JOSEPH, “Emerging Insights and Perspectives during these Study Days in View of a Renewed Missionary Praxis”, 94.

128 RUNITA BORJA, PIERGIORGIO GIANAZZA, “Prospettive Emergenti nelle Giornate di Studio in Vista di una Rinnovata Prassi Missionaria”, 154.

129 Ibid, 158, 159.

130 ANA MARIA FERNANDEZ, ISABEL MADRID CISNEROS, RAFAEL ANDRÉS BORGES, “Ensancha sin Miedo el Espacio de tu Tienda”, 177: TC GEORGE, THERESA JOSEPH, “Emerging Insights and Perspectives during these Study Days in View of a Renewed Missionary Praxis”, 94.

131 RUNITA BORJA, PIERGIORGIO GIANAZZA, “Prospettive Emergenti nelle Giornate di Studio in Vista di una Rinnovata Prassi Missionaria”, 159, 160.

Chương V. Kerygma và Lời loan báo đầu tiênChương VII. Lời loan báo đầu tiên và Đoàn sủng Salêdiêng