Chương V. Kerygma và Lời loan báo đầu tiên
“Tiến lên và đuổi kịp xe đó!”
Trong sách Công vụ Tông đồ (8,26-40), Thánh Luca kể cho chúng ta một ví dụ về Lời loan báo đầu tiên thời Giáo Hội sơ khai. Đó là việc Thần Khí thúc đẩy Philípphê chớp lấy cơ hội, bởi có lẽ viên thái giám sẽ không bao giờ trở lại đây để được nghe Lời loan báo đầu tiên: “Hãy tiến lên, và đuổi kịp xe đó!” Một viên thái giám từ Êthióp vừa mới thực hiện cuộc hành hương lên Giêrusalem, ông đọc cuốn sách của ngôn sứ Isaia. Với người Do Thái giáo chính thống thì viên thái giám này bị coi là kẻ ngoại bang và bị loại trừ khỏi ơn cứu rỗi (Đnl 23,2), còn về bản chất, ông là một người chân thành và có cõi lòng rộng mở. Thần Khí đã đi bước trước Philípphê, đã thúc đẩy niềm đam mê tìm kiếm sự thật và sự sống sung mãn nơi viên thái giám. Philípphê đuổi kịp ông ta, và qua sự chia sẻ hăng say về niềm tin vào Đức Giêsu, người tông đồ đã trao cho viên thái giám viễn tượng niềm tin vào Thiên Chúa.
Trong sách Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy rằng nơi Giáo Hội sơ khai đã có một lòng nhiệt thành tông đồ mãnh liệt. Cùng sự tế nhị và với nghệ thuật của tâm hồn, niềm đam mê lớn lao, cộng đoàn Giáo Hội được thúc đẩy không ngừng để tìm cách thức và các phương tiện để trao tặng đức tin của mình cho những người còn chưa biết Đức Giêsu. Ở đây, chúng ta muốn nói đến sự giới thiệu vẻ hấp dẫn của Đức Giêsu bởi những người say mến Ngài. Đoạn sách thánh kết thúc khi viên thái giám không còn thấy Philípphê đâu nữa, nhưng lòng ông tràn đầy niềm vui. Thật vậy, ngọn lửa của niềm tin tạo nên Lời loan báo đầu tiên sẽ tiếp tục nóng rực và nâng đỡ hành trình của mỗi tín hữu.82
Kerygma
Như chúng ta đã thấy trong cuộc gặp gỡ giữa Philípphê với viên thái giám, kerygma đã là câu trả lời cho hồi ức về Đức Giêsu, mà cốt lõi nằm trong chính đời sống của Ngài, trong chính những lời Ngài rao giảng và trong sự phục sinh của Ngài.
Điều này đã được suy gẫm, được soạn thảo cách cẩn thận, được công bố, cử hành và sống, như những chứng từ về các mẫu Kitô học khác nhau được tìm thấy trong Tân Ước (Mt 28,6; Mc 16,6; Lc 24,6.34; Cv 2,24; 1 Tm 4,14). Tin Mừng là lời chân lý (Ep 1,13) và sự thật của Tin Mừng là bản chất của kerygma (Gl 2,5.14; 4,16; 5,7). Nói cách khác, không thể có Kerygma nếu không có việc kể lại những hoài niệm về con người về cuộc đời và về lời rao giảng của Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, như chúng ta đã thấy ở chương thứ nhất, trong Tân Ước, lời loan báo của Gioan Tẩy Giả (Đây là Chiên Thiên Chúa) và của Phaolô (Đức Giêsu là Đấng Kitô và là Đấng Kitô chịu đóng đinh) được thể hiện không chỉ như là một bài tường thuật về một sự kiện, nhưng trước hết như là sự công bố về lịch sử của Đức Giêsu Kitô, và bốn sách Phúc Âm chính là phiên bản mở rộng của sứ điệp đó. Trên thực tế, tường thuật kerygma hòa điệu với câu chuyện về cuộc đời của Đức Giêsu, là sự chia sẻ kinh nghiệm đức tin của người kể chuyện để đáp lại hy vọng và mong đợi của người nghe, trong khi họ đang miệt mài tìm kiếm ý nghĩa sống của cuộc đời họ. Khi nào những điều này hội tụ lại, thì mối tương quan giữa người rao giảng và người lắng nghe sẽ phát triển; điều này cổ võ cho kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa, hầu khơi lên sự hứng khởi muốn biết thêm về con người của Đức Giêsu (Rm 10,17), từ đó, làm nảy sinh đức tin, dẫn đến một cuộc hoán cải sâu xa (metanoia) (Cv 5,31; 11,18), cam kết bước theo và bắt chước Ngài (Pl 2,1-11).83
Trong khi đức tin được lan truyền, Giáo Hội sơ khai đã dần phân biệt rõ ràng giữa Kerygma như là một bài rao giảng cho những người ngoại giáo để dẫn họ đến với đức tin, và didaché như là bài giáo huấn để củng cố niềm tin cho các tín hữu. Bản chất của Kerygma liên quan đến những yếu tố căn bản và trọng tâm của Kitô Giáo - nhập thể, sự chết, sự sống lại và sứ điệp của Đức Giêsu cũng như tất cả những gì buộc phải tin để có thể được gọi là người Kitô hữu.
Chính Kerygma làm nên căn cội của Hội Thánh.84
Mặt khác, không thể xác định cách rõ ràng ranh giới giữa Lời loan báo đầu tiên và kerygma, chúng ta không thể tạo ra một hàng rào giữa chúng hay khoanh vùng từng lãnh vực. Tuy nhiên, không được làm mất đi căn tính của Lời loan báo đầu tiên, bởi sự quan tâm đến điều này sẽ đặt từng người tín hữu, từng cộng đoàn và toàn thể Giáo Hội vào trong trạng thái “truyền giáo thường trực”.85
Đánh một que diêm thì chưa đủ để thắp lên ngọn lửa. Nếu tia lửa tạo ra không được sử dụng để thắp sáng một ngọn nến hay một cái đèn, nó sẽ tắt ngúm và trở nên vô dụng. Cũng như lời “Anh yêu em” được diễn tả bởi hai người yêu nhau cần được dẫn đến việc đính hôn và kết hôn, do đó Lời loan báo đầu tiên phải được dẫn đến Kerygma; và Kerygma thì được liên kết cách mật thiết với Lời loan báo đầu tiên.
Như chúng ta đã thấy cuộc gặp gỡ của Philípphê trong sách Công vụ Tông đồ, Kerygma được trình bày trong thời điểm thuận lợi khi Chúa Thánh Thần mở cánh cửa cõi lòng cho Lời loan báo đầu tiên. Tại thời điểm này, chỉ cần một lời mời ngắn gọn, vui vẻ, thông minh và tôn trọng chẳng hạn như “Đức Giêsu là Thiên Chúa” (Rm 10,9; Pl 2,11), hay “Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô”(Cv 2,36). Chỉ cần một lời loan báo ngắn gọn là đủ, bởi vì ngay lúc bấy giờ sự tối ưu không hệ tại ở lời nói nhưng là ở kinh nghiệm có khả năng khơi gợi được sự quan tâm; không ở trong những công thức giáo điều, nhưng là một Thiên Chúa, Đấng thông tri về chính bản thân Ngài trong Đức Giêsu Kitô. Sau khi được khợi gợi lòng khao khát được về con người của Đức Giêsu Kitô thì tiếp theo sau đó, vào lúc thuận tiện, sẽ đến lời loan báo đòi hỏi hơn.
Lời loan báo này trở thành lời giới thiệu cho câu chuyện kể về cuộc đời Đức Giêsu, những phép lạ và việc rao giảng của Ngài, cũng như những kinh nghiệm cá vị với Đức Kitô. Câu chuyện trở thành Lời loan báo đầu tiên khi nó được hòa quyện vào khát khao tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của những người nghe, khơi lên niềm hy vọng, gia tăng sức mạnh để đối diện với những nghịch cảnh của cuộc sống. Nhờ Chúa Thánh Thần, Chứng Nhân Vĩ Đại, Đấng hằng làm việc nơi sâu thẳm của mỗi lương tâm, mà tường thuật này có thể làm bật lên những chất vấn về ý nghĩa của hiện hữu, từ đó dẫn đến mặc khải về chân lý và các giá trị của những khát vọng sâu xa trong trái tim con người, vì thế, làm nảy sinh sự lắng nghe những sứ điệp của Đức Giêsu và đặt niềm tin vào Ngài.86
Chắc chắn là do sức mạnh và lòng nhiệt thành của niềm tin mà một người cảm thấy sự cấp bách và cần thiết phải tường thuật lại cho người khác kinh nghiệm cá nhân của mình về Đức Giêsu. Điều này, sẽ dần thúc đẩy cho cuộc “gặp gỡ với một biến cố, một con người, đã đem lại cho cuộc sống một chân trời mới và từ đó có một hướng đi xác định”,87 và sau cùng, có thể bắt đầu đặt nền móng cho một tiến trình Phúc Âm Hóa kéo dài trọn vẹn cuộc sống.
Hướng tới giai đoạn dự tòng và việc dạy Giáo lý truyền giáo
Việc bày tỏ tình yêu của mình với người yêu thì chưa đủ. Phải lòng thực ra mới chỉ là khúc dạo đầu. Tiếp theo, cần phải đi đến giai đoạn đính hôn, kết hôn và gắn bó với nhau bằng một cam kết sống trọn đời. Vì thế, một khi người ta quyết định để tìm hiểu con người của Đức Giêsu Kitô thì niềm tin trở thành “đề xuất minh nhiên trong mọi chiều kích rộng lớn và phong phú của nó”88 ngang qua việc sử dụng một khoa sư phạm để dẫn một người từ từ đến với mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.89 Việc dạy Giáo lý thúc đẩy và làm trưởng thành sự hoán cải ban đầu, là kết quả của Lời loan báo đầu tiên. Trong bất kỳ cách thức nào, Lời loan báo đầu tiên không nên được xem là riêng lẻ, nhưng cần thiết phải liên kết và định hướng đến giai đoạn kế tiếp của tiến trình Phúc Âm Hóa, đó là chọn lựa để khởi đầu một tiến trình khai tâm hay giai đoạn Dự tòng - hoặc như một khởi đầu mới cho các Kitô hữu đang sống trong sự thờ ơ lãnh đạm - và những nghi thức Khai tâm Kitô Giáo, của đời sống bí tích và của việc đào luyện tiệm tiến lâu dài để sống niềm tin và chia sẻ niềm tin ấy cho người khác.90
Thật vậy, ngang qua Lời loan báo đầu tiên, ân sủng ban đầu đã khơi lên niềm tin, nhưng cần được phát triển đến niềm tin rõ nét vào Đức Giêsu ngang qua việc dạy Giáo lý,91 vì “không có Phúc Âm Hóa thật, nếu như Danh Thánh, lời hứa, giáo huấn, Nước Thiên Chúa, mầu nhiện Đức Giêsu thành Nadarét chưa được công bố”.92 Tương tự như vậy, việc dạy Giáo lý mà không có Lời loan báo đầu tiên được nảy sinh từ sự hoán cải và niềm tin ban đầu, thì có nguy cơ trở nên cằn cỗi. Do vậy, Lời loan báo đầu tiên là yếu tố không thể thiếu để việc dạy Giáo lý trở nên có hiệu quả trong suốt cả cuộc đời.
Giáo lý truyền giáo thay đổi khuôn mẫu của việc chuyển tải đức tin từ việc giáo dục (như di sản xã hội) sang một sự khởi đầu (như đề xuất cá nhân). Trước tiên, một số tâm thế được khởi động giúp đón nhận kerygma cách tốt hơn: Sự gần gũi, cởi mở để đối thoại, kiên nhẫn, tiếp nhận chân thành và không lên án. Giáo lý truyền giáo đi theo logic của việc đề xuất niềm tin vốn dựa trên xác quyết và xác tín cá nhân, bởi vì niềm tin lúc này không còn được xem là một thứ văn hóa, cũng không phải là một truyền thống phải tuân theo. Điều này, cũng kéo theo những hệ quả thực tiễn về việc dạy Giáo lý.
Giáo lý truyền giáo luôn trở lại để lắng nghe Lời loan báo đầu tiên được diễn tả dưới nhiều cách thức khác nhau, và cách này hay cách khác, tất cả các giai đoạn và những khoảnh khắc của nó. Khởi đi từ khao khát vô biên có ở trong trái tim mỗi con người, đức tin được trình bày tập trung vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa mà không bó gọn nó trong một vài giáo điều hoặc những bắt buộc mang tính luân lý và tôn giáo. “Lời loan báo với phong cách truyền giáo được tập trung trên những gì là chính yếu, những điều cần thiết: đó cũng là điều có sức hấp dẫn và thu hút hơn nhiều, điều đã làm cho con tim nóng lên như đã xảy ra với hai môn đệ trên đường Emmau”.93 Thay vì áp đặt chân lý, giáo lý truyền giáo kêu gọi người ta đến với chân lý để đón nhận niềm vui, động lực, sức sống và sự hài hòa toàn diện.
Việc cá nhân hóa đức tin cũng giống như việc học hỏi: người môn đệ học cách sống theo con đường của Đức Giêsu Kitô và hướng cuộc sống của mình theo một hành trình bền vững và hiệu quả để đạt đến Nước Trời, đồng thời đòi hỏi sự tập luyện, chiến đấu, kiên trì và khổ hạnh.
Do đó, không được coi việc dạy Giáo lý chỉ là và ưu tiên cho việc đào tạo về học thuyết. Sự hiểu biết về giáo lý có tầm quan trọng của nó, nhưng việc giảng dạy Giáo lý thì kết nối với nơi chốn và những cử hành của niềm tin, làm thế nào để niềm tin đó có thể thực sự được nhận biết, được đụng chạm và được viếng thăm. Người ta bắt đầu hiểu biết Lời Chúa, được nghe cắt nghĩa về các cử chỉ Bí tích của đức tin. Khi những Bí tích này trở thành một phần của cuộc sống thì người ta bước đi trong niềm hy vọng hướng về Thiên Chúa.94
Con đường để dõi theo
Lòng nhiệt thành truyền giáo mời gọi chúng ta biết tôn trọng nền văn hóa của những người mà chúng ta muốn chia sẻ Tin Mừng cho họ; để nhận biết giá trị về tầm nhìn thế giới và những cách diễn tả bản sắc riêng của họ (ngôn ngữ, nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa dân gian, những lễ nghi quan trọng,...), để khám phá ra nơi họ có những hạt mầm của Lời Chúa đã được gieo xuống (semina Verbi).95 Để đương đầu với những đòi hỏi về một sự hiện diện giàu kinh nghiệm, mang tính giáo dục và mục vụ ở giữa người trẻ, thì cần thiết phải thay đổi não trạng, đổi mới cơ cấu:
- từ việc hiểu kerygma đồng nhất với Lời loan báo đầu tiên đến sự hiểu biết về Lời loan báo đầu tiên như một cái gì đó khác biệt, nhưng đồng thời dẫn dắt và gắn bó mật thiết với kerygma.96
- từ một sự chuẩn bị mang tính tùy cơ ứng biến cho các Bí Tích khai tâm Kitô Giáo tới việc cộng đoàn ý thức để tạo thuận lợi cho Lời loan báo đầu tiên trước khi dạy Giáo lý, và bảo đảm việc đồng hành thường xuyên hơn với việc chuẩn bị lãnh nhận các Bí Tích khai tâm Kitô Giáo.97
Chú thích
82 MARIA KO HA FONG, “Go Up and Join that Chariot!” in Study Days and the Salesian Mission and the Initial Proclamation of Christ in East Asia, 178-182.
83 JEAN AUDUSSEAN, XAVIER LÉON-DUFOUR, “Prêcher”, in Xavier Léon-Dufour (a cura di), Vocabulaire de Théologie Biblique Seconda ed., (Cerf: Paris, 1970), 1106-1011; CESARE BISSOLI, “Lời loan báo đầu tiên trong Cộng đoàn Kitô hữu Tiên khởi”, cettina cacciato (a cura di), Lời loan báo đầu tiên giữa “Kerygma” và việc dạy Giáo lý (LDC: Torino, 2010), 13-22; COLIN BROWN, “Proclamation”, in collin Brown (a cura di), New Testament Theology, III (Grand Rapids: Zondervan Corporation, 1978), 44-68.
84 CARMELO TORCIVIA, Teologia della Catechesi. L’Eco del Kerygma, 104-105.
85 FRANCESCO, Evangelii Gaudium, 25.
86 RICARDO TONELLI, Tường thuật trong việc dạy Giáo lý và trong Mục vụ Giới trẻ (LDC: Torino, 2002), 54-64; JOHANN BAPTIST METZ, “Breve Apologia del Narrare” in Concilium 5 (1973): 864-868.
87 BENEDETTO XVI, Deus Caritas Est, n. 1.
88 GIOVANNI PAOLO II, Ecclesia in America, n. 69.
89 ANA MARIA FERNANDEZ, ISABEL MADRID CISNEROS, RAFAEL ANDRÉS BORGES, “Ensancha sin Miedo el Espacio de tu Tienda”, 178.
90 SERGE TYVAERT, “De la Première Annonce à la Nouvelle Évangélisation”, 104; ANTONIO L. AROCHA, “Del Primer Anuncio y la Educación a la Fe”, in Jornadas de Estudio del Primer Anuncio al Discipulado Misionero en América y el Caribe, 113-114.
91 ENZO BIEMME, “L’Annonce de l’Évangile dans l’Espace de la Gratuité” in Jean-Paul laurent (a cura di), L’Évangélisation: Une Annonce Gracieuse, Cahiers Internationaux de Théologie Pratique, Série “Actes” n. 9 (2016): 14-16.
92 PAOLO VI, Evangelii Nuntiandi, 22.
93 ANTONIO SPADARO, “Phỏng Vấn Đức Thánh Cha Phanxicô” trong La Civiltà Cattolica n. 3918 (19 settembre 2013): 464.
94 STIJN VANDENBOSSCHE, “Grandir dans la Foi toute la Vie: les Défis d’une Catéchèse Permanente”, in L’Évangélisation: Une Annonce Gracieuse: 25-39.
95 ANA MARIA FERNANDEZ, ISABEL MADRID CISNEROS, RAFAEL ANDRÉS BORGES, “Ensancha sin Miedo el Espacio de tu Tienda”, 171.
96 RUTH DEL PILAR MORA, ALEXIUS MULONGO, “Emerging Insights and Perspectives during the Study Days in View of a Renewed Missionary Praxis in Africa and Madagascar” 129; ANA MARIA FERNANDEZ, ISABEL MADRID CISNEROS, RAFAEL ANDRÉS BORGES, “Ensancha sin Miedo el Espacio de tu Tienda”, 167-169.
97 PAMELA VECINA, JOHN CABRIDO, “Emerging Insights and Perspectives during these Study Days in View of a Renewed Missionary Praxis”, 108; RUTH DEL PILAR MORA, ALEXIUS MULONGO, “Emerging Insights and Perspectives during the Study Days in View of a Renewed Missionary Praxis in Africa and Madagascar” 130; ANA MARIA FERNANDEZ, ISABEL MADRID CISNEROS, RAFAEL ANDRÉS BORGES, “Ensancha sin Miedo el Espacio de tu Tienda”, 176; UBALDO MONTISCI, LORENZINA COLUSI, “Orizzonti di Primo Annuncio per la Famiglia Salesiana in Europa Oggi: Condizioni, Strategie, Metodologie, Contenuti”, 97.