Chương IV. Lời loan báo đầu tiên trong những bối cảnh Kitô Giáo

“Hãy đi đến khắp mọi thành phố và làng mạc”

Trong cuốn Tin Mừng của mình, Thánh Mátthêu đã làm một bản tóm lược về các hoạt động truyền giáo của Đức Giêsu với những từ ngữ cô đọng và súc tích: “Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9,35). Đức Giêsu đã không đi đến các trung tâm đô thị lớn trong thời của mình. Ngài đã vài lần đến Giêrusalem, một nơi được xem như Thành Thánh (Tv 48,2) và là nơi cư ngụ của Thiên Chúa (Tv 135,21), nhưng Ngài chưa bao giờ đi đến một thành phố lớn. Đức Giêsu đã đi đến tận nơi mà con người cư ngụ, để tìm “những con chiên lạc” ở bất cứ nơi nào chúng đang ở. Vì vậy, Ngài đi khắp các thành phố và làng mạc để gặp gỡ những con người, với lịch sử riêng của họ và những hoàn cảnh không thể đoán trước. Thật vậy, Đức Giêsu đã không dành ưu tiên cho bất kỳ miền đất nào, nhưng mọi hoàn cảnh sống của con người đều trở thành địa điểm để Ngài đem ơn cứu rỗi đến.52

Thánh Phaolô thì khác, ngài đã chọn các trung tâm đô thị để loan báo Tin Mừng. Đó là một sự lựa chọn chiến lược, bởi vì các thành phố của La Mã có những con đường nối với các thành phố quan trọng khác, nơi họ sử dụng một ngôn ngữ chung: Tiếng Hy Lạp (Koinè), là phương tiện để truyền thông cho toàn bộ lưu vực Địa Trung Hải. Thánh Phaolô đã chọn nơi đó như một cánh đồng để Phúc Âm hóa và như một trung tâm truyền giáo mà từ đó tỏa sáng sứ điệp Tin Mừng, các thành phố lớn với dân cư đông đúc và các nhóm di dân lớn có nguồn gốc và truyền thống khác nhau. Khi đến thành phố, Thánh Phaolô lấy hội đường như là điểm quy chiếu, và sau đó, ngày càng mở ra nhiều hơn cho những người dân ngoại và không đóng kín trong khu vực của người Do Thái. Nhưng sự cởi mở của ngài cho mọi người không phải là một sự rộng mở mơ hồ và không có tổ chức, đúng hơn, đó là hoa trái của của sự phân định trong Thánh Thần: “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi đi…” (Cv 20,22). Bất cứ nơi nào dừng lại, ngài đều tạo ra một mạng lưới các cộng tác viên truyền giáo và huy động nhiều người tham gia vào kế hoạch truyền giáo của ngài.53

Lời loan báo đầu tiên hay là Tân Phúc Âm hóa?

Ngày nay, Lời loan báo đầu tiên cần thiết trong mọi bối cảnh. Vì vậy, việc nói đến Lời loan báo đầu tiên trong những bối cảnh được xem là “Kitô Giáo” hay “Công Giáo” theo truyền thống hoặc văn hóa cũng thật quan trọng. Rất nhiều những gia đình sống đức tin mang tính văn hóa, được nuôi dưỡng bằng việc thực hành lòng đạo đức bình dân, cho các thành phần nhỏ bé nhất của Giáo Hội là trẻ em và thanh thiếu niên lãnh các bí tích. Họ trở thành những thành viên trên danh nghĩa của Giáo Hội. Nhưng không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy trong bối cảnh có truyền thống và lịch sử Kitô Giáo lại có chuyện rời bỏ đức tin, hoặc sống đạo như một thói quen. Người ta tự hỏi liệu một Lời loan báo đầu tiên, hay một cuộc Tân Phúc Âm hóa có thực sự cần thiết.54

Thật vậy, trong các bối cảnh này, Lời loan báo đầu tiên mà các tín hữu đã nhận tại gia đình, từ cha mẹ, vẫn còn nghèo nàn và chưa đủ để là nền tảng của một đức tin mạnh mẽ. Nếu thiếu sự hoán cải đầu tiên và đức tin cá vị đầu tiên này, thì chính đức tin ấy có nguy cơ ở lại trong sự yếu kém. Vì vậy, ngay cả sau nhiều năm học giáo lý, người ta vẫn dễ dàng từ bỏ việc thực hành đức tin của mình, hoặc chỉ sống như một thứ văn hóa. Do vậy, Bản Hướng Dẫn Tổng Quát cho việc dạy Giáo lý nhấn mạnh rằng các Kitô hữu, những người đã từ bỏ việc thực hành đức tin, cũng như những người sống đức tin theo thói quen, tất cả đều cần đến Lời loan báo đầu tiên của Tin Mừng, nhằm khích lệ họ gắn bó với Đức Giêsu cách cá vị.55 Trong ánh sáng này, Lời loan báo đầu tiên được coi là bước đầu tiên cần thiết để hướng đến việc Tân Phúc Âm hóa.56

Tân Phúc Âm hóa như là “Lời loan báo thứ hai”

Lời loan báo đầu tiên dành cho các Kitô hữu đã đón nhận đức tin trong cách thức chưa đầy đủ, thì có thể được gọi là Lời loan báo đầu tiên lần thứ hai hay đơn giản là “lời loan báo thứ hai”57 để phân biệt với Lời loan báo đầu tiên dành cho những người chưa biết Đức Giêsu. Nói đến lời loan báo thứ hai không nhằm phủ nhận sức mạnh thần học của Lời loan báo đầu tiên. Nó là một “đề xuất đức tin cho những ai đã từng là Kitô hữu mà nay không còn là Kitô hữu nữa, hoặc cho những ai chỉ giữ đạo trên danh nghĩa hay như một thói quen, hay cho những người nghĩ mình là Kitô hữu và cho những người thực sự là như thế”.58 Mục đích của lời loan báo thứ hai nhằm khơi dậy nơi các Kitô hữu niềm hứng thú vốn đánh thức sức hấp dẫn ban đầu đối với nhân vị của Đức Giêsu Kitô.

Do đó, lời loan báo lần thứ hai gợi nhớ rằng đã có Lời loan báo đầu tiên, và chúng ta luôn cần phải xem xét thực tại đã nhận được từ Lời loan báo đầu tiên vì nó có thể còn để lại những giá trị Tin Mừng và những thói quen khiến chúng ta phải ngỡ ngàng. Khi đã được rửa tội thì đức tin ít nhiều cũng đã hiện diện, các tín hữu được lãnh nhận cách nào đó như một sự thừa hưởng, tuy nhiên, đức tin đó đã mất đi sức sinh động vì có thể đã bị lãng quên, bỏ bê, gặp chống đối do ảnh hưởng của nền văn hóa thế tục và của các tôn giáo khác. Lúc này, Tin Mừng không còn hấp dẫn họ nữa bởi vì người ta đã làm nó hư tổn do không còn đánh giá, như chuyện đã biết rồi và là điều hiển nhiên. Trong một vài trường hợp, hình ảnh của họ về Giáo Hội, về đạo Công Giáo hay về Kitô Giáo đã bị che khuất bởi thành kiến, bởi những kinh nghiệm tiêu cực, những vụ bê bối và nỗi sợ hãi. Trong trường hợp này, chứng tá của đời sống Kitô hữu, tương quan liên ngôi vị, kinh nghiệm về đời sống Giáo Hội trở thành lời loan báo thứ hai, một lời mời gọi tự do tái khám phá con người của Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài.59 Dĩ nhiên, lời loan báo thứ hai có ảnh hưởng sâu sắc trong việc dạy Giáo lý.

Lời loan báo thứ hai này bao hàm bốn thách đố đối với mỗi Kitô hữu và cho toàn thể cộng đoàn tín hữu. Trước hết là lắng nghe Lời Chúa với mục đích để được thúc đẩy tới “một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Ngôi Lời sống động của Thiên Chúa”;60 thách đố thứ hai là trở thành sự phản chiếu của Lời cho người khác; thách đố thứ ba hệ tại ở việc thúc đẩy cho một sự đồng hành năng động, để nhờ Thần Khí, con người biết sẵn sàng và rộng mở cõi lòng để thực hiện một hành vi mới mẻ; và thách đố thứ tư là việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình.

Gia đình là vườn ươm, nơi đức tin được vun trồng và được nuôi dưỡng trong tâm hồn của trẻ thơ. Nhưng không có gia đình nào là lý tưởng, do đó, việc chăm sóc mục vụ đồng hành với các gia đình, để có thể dõi theo họ với lòng xót thương mục tử liên lỉ ngang qua sự suy tư và phân định, nhất là khi họ ở trong tình trạng mỏng giòn và không hoàn hảo thật quan trọng. Bằng cách này, chúng ta giúp các gia đình để họ có thể trở thành địa điểm ưu biệt để nâng đỡ, đồng hành và hướng dẫn việc giáo dục nhân bản, xã hội, giới tính, đạo đức và tôn giáo cho con cái của họ. Như thế, các gia đình trở thành địa điểm loan truyền đức tin cho tất cả những ai tiếp xúc với họ và cũng là một gia đình truyền giáo thực sự!61

Để tạo thuận lợi cho lời loan báo thứ hai, cần phải thúc đẩy việc mục vụ hướng tới các vùng ngoại biên nhằm giúp tái khám phá đức tin. Việc mục vụ này chú tâm đến những nơi có thể làm những kinh nghiệm về Kitô Giáo và tìm ra cơ hội thực sự để gặp gỡ Đức Giêsu. Về nơi chốn không chỉ đề cập đến không gian địa lý cụ thể, mà còn nói đến cả các kinh nghiệm và các mối quan hệ: Gia đình, nơi mà chúng ta đón nhận vẻ đẹp của đức tin; cộng đoàn Kitô hữu, nơi để ta làm kinh nghiệm sống đức tin với những cam kết; phụng vụ, nơi các Kitô hữu sống và cử hành đức tin tuyệt đẹp của họ; các hình thức đạo đức bình dân như một biểu hiện của đức tin được hội nhập văn hóa; nghệ thuật thánh biểu hiện vẻ đẹp của đức tin; các trung tâm giáo dục là nơi đào tạo nhân cách và giúp hình thành căn tính cũng như ý nghĩa của cuộc sống; giáo lý là cơ hội để hiểu Kitô Giáo và đạo Công Giáo. Điều quan trọng là cần có cách thức tiếp cận có hệ thống với các chiến lược mà khởi đi từ thực tế, nhận ra những gì có sẵn và thúc đẩy sự trưởng thành của các “chồi non” đã mọc lên rồi để những nơi này có thể trở thành ngưỡng cửa thực sự dẫn đến đức tin.62

Lời loan báo đầu tiên trong bối cảnh thành thị

Giáo Hội được sinh ra và phát triển ở các trung tâm đô thị ngay từ lúc khởi đầu, ngày nay, Giáo Hội lại phải đối mặt với hiện tượng đô thị, bởi vì phần đa các tín hữu sống trong các thành phố. Phần lớn các cộng đoàn SDB và FMA của chúng ta cũng đều nằm trong bối cảnh thành thị. Điểm khởi đầu mục vụ đô thị của chúng ta là nhìn vào thực tế của đô thị với ánh nhìn thiện cảm theo Hiến chế Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et Spes). Chúng ta cần học biết phân định những dấu chỉ của thời đại và tránh thái độ vơ đũa cả nắm, thành kiến và phán xét.63

Ở các trung tâm đô thị, các trang mạng xã hội là môi trường sống của thanh thiếu niên trong “thế hệ ứng dụng” (app). Văn hóa công nghệ của chúng ta đã phát triển các ứng dụng cho máy tính bảng và điện thoại thông minh. Làm cho chúng dễ sử dụng bằng cách cung cấp các phương thức mới để kết nối và khuyến khích chia sẻ. “Thế giới ứng dụng” này đã trở thành một môi trường tạo ra văn hóa. Trong bối cảnh đô thị, Giáo Hội nói và hướng sứ điệp của mình cho cư dân của “thế giới” này. Thông điệp của Giáo Hội có tính phức tạp và thường được xem như một sự phán xét, một tiếng nói không thể hiểu được và mang tính luân lý. Trong khi đó, “thế giới ứng dụng” của truyền thông lại đơn giản và ngay lập tức. Vì vậy, một thách đố với chúng ta là làm sao để cổ võ cho Lời loan báo đầu tiên.64 Chiến lược của chúng ta là xâm nhập vào thế giới ảo của không gian kiểm soát tự động hóa (cyberspace) và hiểu ngôn ngữ của nó, để kiến tạo một không gian nơi mà Tin Mừng có thể được khám phá, trải nghiệm và được sống bởi các cư dân kỹ thuật số. Điều này thì tốt hơn là chỉ lặp đi lặp lại các hình thức sống đạo truyền thống.65

Nơi thành thị, chúng ta phải đối diện với hiện tượng di dân ngày càng gia tăng, thứ tạo ra một loại “văn hóa pha trộn” và làm cho mỗi xã hội đô thị ngày càng trở nên đa tôn giáo và đa văn hóa. Một mặt, toàn cầu hóa đã nhân rộng các khả năng thiết lập các mối quan hệ và trao đổi giữa các nền văn hóa, con người và cá nhân, làm phát sinh một nền văn hóa toàn cầu mới và nó ngày càng trở nên đồng nhất. Mặt khác, văn hóa mới này được chìm ngập trong các nguyên tắc chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa thế tục, không có không gian cho các nguyên tắc tôn giáo và các giá trị đạo đức. Như là một phản ứng đối với hiện tượng toàn cầu hóa, chúng ta cũng thấy có sự tái khẳng định nguồn gốc văn hóa và bản sắc dân tộc, điều này có thể dẫn đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan.66

Quá trình tục hóa là một đặc điểm tích cực của thời đại chúng ta vì nó đã mở đường cho sự tách biệt đúng đắn giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Nhờ đó, làm nảy sinh một xã hội dân sự, nơi có nhiều quan điểm và tầm nhìn mang tính hoàn vũ.67 Trái lại, chủ nghĩa thế tục bắt nguồn từ Phong trào Khai sáng và cuộc Cách mạng Pháp, họ đã tạo ra chính sách tôn giáo tách biệt (laicité), và giờ đây, đã trở thành ý thức hệ bất khả tri và vô thần. Chủ nghĩa này thường biểu lộ sự chống đối tôn giáo và đặc biệt là với Giáo Hội như một thể chế. Và “khi sự tục hóa trở thành chủ nghĩa thế tục, thì người ta lâm vào một cuộc khủng hoảng văn hóa và tinh thần nghiêm trọng”68 và ta còn cảm thấy nhiều hơn nữa trong bối cảnh đô thị.

Trong bối cảnh đô thị, người ta cảm nhận một cách mãnh liệt sự ảnh hưởng của chủ nghĩa thế tục xâm lăng tạo ra một nền văn hóa giáo dân mềm (soft), vốn ủng hộ sự dửng dưng tôn giáo, tránh né lòng nhiệt thành vì đức tin của chính mình hoặc của người khác, từ đó dẫn các tín hữu đến một thái độ rõ ràng là “mệt mỏi vì đức tin” và “cảm giác Kitô Giáo như thế là đủ rồi”. Tại thành phố, người ta cảm nhận cách mạnh mẽ chủ nghĩa vô thần mới, chủ nghĩa này chú ý đến sự yếu đuối của con người và đem lại cho người ta một lối sống ít bị đè nặng bởi các lề luật và nguyên tắc. Ở các trung tâm đô thị mà chúng ta thấy, đặc biệt nơi những người trẻ, có một sự tái khám phá về niềm tin và những thực hành tôn giáo, nhưng là một hiện tượng của một thứ tôn giáo lỏng lẻo không định hình, được diễn tả như một tinh thần, nhưng không phải là tôn giáo hoặc “tin mà không thuộc về”.69

Hậu quả của dòng chảy nhân loại ở mức độ quốc tế (tại nhiều xứ sở khác nhau) và nội bộ (từ nông thôn đến các thành phố lớn) vì lý do kinh tế, văn hóa, chính trị và tôn giáo hoặc vì lý do công việc hoặc để thoát khỏi nạn khủng bố, bạo lực và buôn lậu ma túy, được cảm thấy rất rõ và mãnh liệt tại các trung tâm đô thị, nhất là ở các khu ổ chuột hay vùng ngoại ô của các thành phố lớn. Thông thường, điều này gây ra những cuộc biểu tình bất khoan nhượng, nạn kỳ thị và phân biệt chủng tộc vì nỗi sợ hãi nơi những người cảm thấy và nhìn người nhập cư như một gánh nặng, nguy hiểm và là mối đe dọa. Bạo lực ở một vài châu lục khác nhau đã gây ra một dòng di cư đáng kể, phần lớn họ là tín đồ của các tôn giáo khác, và trong số đó có rất nhiều người Hồi Giáo.

Những người nhập cư - phần lớn là những trường hợp các người nữ và những trẻ nhỏ không được đồng hành - họ thường rất cần đến những nghĩa cử rộng mở, đón tiếp và tình liên đới, chính vì lý do đó, họ cần được thu nhận, được công nhận và trân trọng như một con người, nhân vật chính trong việc đảm nhận tương lai của họ. Bởi thế, chứng tá cuộc sống và những diễn tả bác ái cụ thể khơi lên nơi họ sự hứng thú, hiếu kỳ và có thể trở thành Lời loan báo đầu tiên đầy mạnh mẽ và được kính trọng. Trong số những người nhập cư, cũng có một số lượng đáng kể các Kitô hữu, đặc biệt là từ các nước Công Giáo và các nước Công Giáo theo nghi thức phụng vụ Đông Phương.70 Họ hướng đến các tổ chức Giáo Hội để nhận được sự hỗ trợ về mặt tình cảm, xã hội và cũng để khẳng định bản sắc văn hóa hoặc truyền thống phụng vụ của họ. Chăm sóc mục vụ cho những người nhập cư tạo điều kiện để thúc đẩy Lời loan báo đầu tiên cũng là bước cần thiết để Tân Phúc Âm hóa.71

Ngay cả trong bối cảnh đô thị, ta cũng nhận thấy lòng đạo đức bình dân cả trong số những người nhập cư và giữa các cư dân đô thị. Có nhiều cách diễn tả khác nhau về các giá trị tích cực (semina verbi) được truyền lại từ các nền văn hóa truyền thống khác nhau và từ các cuộc gặp gỡ của chúng với Tin Mừng.72 Ngay cả khi đó là những diễn tả văn hóa của một dân tộc, thì những hình thức tự nhiên của nền đạo đức bình dân cũng là hoa trái của Chúa Thánh Thần và diễn tả lòng đạo đức của Giáo Hội. Trong sự tiếp xúc phong phú với Lời được mặc khải, truyền thống và phụng vụ, lòng đạo đức bình dân không chỉ giúp cho nhiều tín hữu kiên trì trong cầu nguyện và chúc tụng Thiên Chúa, làm chứng cho Chúa Kitô, nhưng còn có thể trở thành cơ hội cho Lời loan báo đầu tiên và lời loan báo thứ hai về Chúa Kitô. Thực tế cũng cho thấy, lòng đạo đức bình dân thường hay lưu tâm đến những hiện tượng và sự kiện bất thường, và thường xuyên liên quan đến những mặc khải tư. Trong những trường hợp này, nhiệm vụ của các vị chủ chăn trong Giáo Hội là phân định và chứng thực tất cả những gì thích hợp.73

Con đường để dõi theo

Mỗi thành phố thực sự là đa văn hóa, đa tôn giáo, toàn cầu hóa và kỹ thuật số! Hơn bao giờ hết, “chúng ta được kêu gọi để hiểu theo chiều sâu phong cách của Don Bosco trong mối tương quan của ngài với thành phố và với những người trẻ, những người đã bị thành phố thu hút. Mỗi cuộc gặp gỡ của Don Bosco với người trẻ đã là một cơ hội để ngài giới thiệu cho họ những công trình của Thiên Chúa”.74 Kinh nghiệm của ngài đã dậy chúng ta rằng, để thúc đẩy Lời loan báo đầu tiên trong thành phố, cần phải đặt con người ở trung tâm ngang qua thái độ lắng nghe, sự đón tiếp và các mối tương quan, giúp họ gặp gỡ Chúa Kitô và để cho Ngài chất vấn. Điều quan trọng là cần có một sự hiện diện Kitô Giáo ở những nơi gặp gỡ, trao đổi và văn hóa: nơi đóng góp suy tư, nơi diễn ra các cuộc hội thảo nghiên cứu, biên soạn báo chí, các hội nghị, nơi mà người ta thảo luận với nhau về các vấn đề xã hội, các hội nghị bàn tròn cổ võ cho quyền công dân, để đối thoại với các bối cảnh xã hội, kinh tế và chính trị đa dạng nhằm thăng tiến con người và phát triển các thiện ích chung. Đó là nơi mà các mối tương quan trở nên nhân bản, được sinh động bởi niềm tin của người môn đệ, được làm sáng tỏ, trở thành ký ức và ngôn sứ của Nước Trời. Từ nơi đó, có thể làm phát sinh niềm hứng khởi với con người của Đức Giêsu, hoặc có thể trở thành điểm khởi đầu cho việc tái khởi động một hành trình đức tin.75

Chúng ta cần phải thấy, hiểu biết và đánh giá thực tại đô thị. Chúng ta không thể ngây thơ và chấp nhận cách dễ dãi mọi thực tại. Chúng ta phải học biết để biện phân xem tinh thần nào làm sinh động tất cả những gì đang diễn ra trong xã hội đô thị. Để cổ võ cho tiến trình biện phân mục vụ này, chúng ta cần thay đổi não trạng và thay đổi cơ cấu, bằng cách chuyển đổi:

  • từ một mục vụ truyền thống đến một thái độ tiếp đón tất cả những gì là tốt đẹp trong cách diễn tả niềm tin mới mẻ của người trẻ – những người đang tìm kiếm một ý nghĩa sâu xa hơn cho cuộc sống của họ;76
  • từ một thái độ không tin tưởng và sợ hãi những gì khác biệt, coi sự đa dạng văn hóa và những người di dân như một mối nguy hiểm và đe dọa, tới thái độ cởi mở tiếp đón những người khác, những người di dân và những lối diễn tả văn hóa như cơ hội để cổ võ cho Lời loan báo đầu tiên;77
  • từ sự thiếu tiếp xúc với các gia đình đến mục vụ chăm sóc các gia đình;78
  • từ sự thờ ơ với truyền thông xã hội và công nghệ để cổ võ cho Lời loan báo đầu tiên; đến việc hiểu biết sâu xa hơn về nền công nghệ mới, “sân chơi mới”, ngôn ngữ của người trẻ và cho sự liên đới để biến đổi không gian của Internet trở thành nơi gặp gỡ, tình bạn, tình liên đới với người trẻ và vì người trẻ;79
  • từ sự hiểu biết hàm hồ về sự tục hóa và chủ nghĩa thế tục, cũng như từ những mục vụ bảo đảm và những khái niệm của chúng ta vốn coi thành phố như là “nơi - không nơi”, tới một sự hiểu biết đúng đắn về điểm sáng và điểm tối của quá trình tục hóa, với sự trở về với những điều thánh thiêng, với chiều kích tôn giáo và sự kiếm tìm Thiên Chúa. Tất cả những gì làm trung gian cho một mục vụ luôn tìm cách để biến đổi thực tế đô thị và những vùng ngoại ô hiện sinh thành một “địa điểm” mang tính nhân bản hơn, một “địa điểm” làm sáng lên sự hiện diện của Thiên Chúa;80
  • từ một thái độ khoan nhượng hướng về lòng đạo đức bình dân mang tính văn hóa tới một mục vụ có sức canh tân lòng đạo đức nhằm khích lệ những người môn đệ đích thực sống một đời sống sâu xa được khơi hứng từ Tin Mừng.81

Chú thích

52 MARIA KO HA FONG, “Gesù Percorreva tutte le Città e i Villaggi”, Giornate di Studio sul Primo Annuncio di Cristo in Città, 245-246; 250-252.

53 MARIA KO HA FONG, “Paolo, Missionario della Città”, 253-259.

54 GLORIA ELENA GARCIA PEREIRA, “Las Oportunidades y los Desafíos del Primer Anuncio para SDB y FMA en América Latina y el Caribe” in Jornadas de Estudio del Primer Anuncio al Discipulado Misionero en América y el Caribe, 132.

55 CONGREGAZIONE PER IL CLERO, Direttorio Generale per la Catechesi (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 1997), n. 61.

56 Thượng Hồi Đồng về Tân Phúc Âm hóa, Đề xuất số 9 về Tân Phúc Âm hóa và Lời loan báo đầu tiên nhấn mạnh sự liên tục giữa việc dạy Giáo lý và Lời loan báo đầu tiên: Giáo huấn hệ thống của kerygma trong Kinh Thánh và trong Truyền Thống; những giáo huấn và trích dẫn từ các thánh, các vị truyền giáo tử đạo và việc huấn luyện cho các người loan báo Tin Mừng Công Giáo hôm nay.

57 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dùng diễn tả này vào ngày 9 tháng Sáu năm 1979 trong bài giảng tại Vương cung Thánh Đường Santa Croce tại Mogila, Polonia: “Một nền tân Phúc âm hóa được khởi đầu như thể lời loan báo thứ hai, ngay cả khi chúng luôn là một trong thực tế”. Insegnamenti di Giovanni Paolo II, vol II/1 (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 1979) 1505.

58 ENZO BIEMME, “Catechesi e Iniziazione Cristiana”, in gilles routHier, luca Bressan, luciano vaccaro (a cura di), La Catechesi e le Sfide dell’Evangelizzazione Oggi (Brescia: Morceliana, 2012), 113.

59 ENZO BIEMMI, Il Secondo Annuncio (Bologna: EDB, 2011) 37; SALVATORE CURRÒ, ENZO BIEMMI, “Il Secondo Annuncio e... Oltre. Dialogo su Questioni Catechetiche Attuali”, in Catechesi, vol. 81/ 5 (2011-2012): 35-38; 40-41.

60 BENEDETTO XVI, Esortazione Apostolica Verbum Domini (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 2010), n. 87.

61 FRANCESCO, Esortazione Postsinodale Amoris Laetitia (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 2016), n. 287, 289, 293-312.

62 UBALDO MONTISCI, “La Pastorale Giovanile e la Città: la Sfida e la Gioia del Primo Annuncio”, 149, 168-159, 162-163, 166: giovanni casarotto, “Una Pastorale Kerygmatica per il rinnovamento Ecclesiale”, in Catechesi vol 85, no. 1 (2015-2016): 64-72.

63 Ibid, 32-34.

64 HOWARD GARDNER, KATIE DAVIS, The App Generation. How Today’s Youth Navigate Identity, Intimacy and Imagination in a Digital World (New Haven: Yale University Press, 2013), 121-154, 169, 441-443; GIOVANNI CASAROTTO, “Una Pastorale Kerygmatica per il rinnovamento Ecclesiale”, 66.

65 NORBERT METTE, “Comunicazione del Vangelo nell’Era Digitale, in Particolare con la Generazione che Cresce, in La Catechesi dei Giovani e i New Media, 39-40.

66 ANA MARIA FERNANDEZ, ISABEL MADRID CISNEROS, RAFAEL ANDRÉS BORGES, “Ensancha sin Miedo el Espacio de tu Tienda”, 165-166.

67 GAUDIUM ET SPES, n. 36; DAVID WILLIS, “Initial Proclamation in Societies in the Process of Secularisation”, in Study Days on the Salesian Mission and the Initial Proclamation of Christ in Oceania, 81-87.

68 RUNITA BORJA, PIERGIORGIO GIANAZZA, Cho một Mục Vụ Văn Hóa (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 1999), n. 23.

69 ALFRED MARAVILLA, “Thiên Chúa cư ngụ với Dân của Ngài trong Thành phố này!” Giornate di Studio sul Primo Annuncio in Città, 27-30, 32-34; CARMELO DOTOLO, “Thành thị và Chủ nghĩa tục hóa hôm nay: Thách đố và Cơ hội cho Lời loan báo đầu tiên”, in Ibid, 123-126.

70 PONTIFICIO CONSIGLIO DELLA PASTORALE PER I MIGRANTI E GLI ITINERANTI, Istruzione Erga Migrantes Caritas Christi (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 2004), n. 6, 7, 10, 49-59, 65, 69, 96, 100; MILVA CARO, “Mục vụ Liên văn hóa để cổ võ cho Người trẻ và Di dân”, in Giornate di Studio sul Primo Annuncio in Città, 106-109.

71 CONGREGAZIONE PER IL CLERO, Direttorio Generale per la Catechesi, 62.

72 LUMEN GENTIUM, n. 16.

73 ENRIQUE ALÍ GONZÁLEZ ORDOSGOITTI, “La Complejidad Religiosa de América Latina. La Grande Como Texto y Contexto para una Nueva Evangelización” in Jornadas de Estudio del Primer Anuncio al Discipulado Misionero en América y el Caribe, 70; ANA MARIA FERNANDEZ, ISABEL MADRID CISNEROS, RAFAEL ANDRÉS BORGES, “Ensancha sin Miedo el Espacio de tu Tienda”, 166, 171; CONGREGAZIONE PER IL CULTO DIVINO E SULLA DISCIPLINA DEI SACRAMENTI, Direttorio su Pietà Popolare e Liturgia. Principi e Orientamenti (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 2002), 84, 86, 90.

74 “Những Viễn ảnh nổi bật trong những Ngày học tập: Thành thị, Không gian và Cơ hội cho Lời loan báo đầu tiên”, 207-208.

75 GIULIO ALBANESE, “Evangelizzazione Urbana. Città Terra di Missione”, in Giornate di Studio sul Primo Annuncio in Città, 80-81; CARMELO DOTOLO, “Thành thị và Chủ nghĩa tục hóa hôm nay: Thách đố và Cơ hội cho Lời loan báo đầu tiên”, 129-131; UBALDO MONTISCI, “Mục vụ Giới trẻ và Thành thị: Sự Thách đố và Niềm vui của Lời loan báo đầu tiên”. 165.

76 “Prospettive Emergenti nelle Giornate di Studio: La Città, Spazio e Opportunità per il Primo Annuncio”, 207.

77 Ibid; ANA MARIA FERNANDEZ, ISABEL MADRID CISNEROS, RAFAEL ANDRÉS BORGES, “Ensancha sin Miedo el Espacio de tu Tienda”, 165.

78 PAMELA VECINA, JOHN CABRIDO, “Emerging Insights and Perspectives during these Study Days in View of a Renewed Missionary Praxis”, 106.

79 “Prospettive Emergenti nelle Giornate di Studio: La Città, Spazio e Opportunità per il Primo Annuncio”, 206-207.

80 Ibid; ANA MARIA FERNANDEZ, ISABEL MADRID CISNEROS, RAFAEL ANDRÉS BORGES, “Ensancha sin Miedo el Espacio de tu Tienda”, 173; PAMELA VECINA, JOHN CABRIDO, “Emerging Insights and Perspectives during these Study Days in View of a Renewed Missionary Praxis”, 106.

81 Ibid, 105; ANA MARIA FERNANDEZ, ISABEL MADRID CISNEROS, RAFAEL ANDRÉS BORGES, “Ensancha sin Miedo el Espacio de tu Tienda”, 166-169, 177.

Chương III. Lời loan báo đầu tiên là gìChương V. Kerygma và Lời loan báo đầu tiên