Chương II. Suy tư thần học - mục vụ trên Lời loan báo đầu tiên

Phát triển của sự thấu hiểu về Lời loan báo đầu tiên

Có hai lý do đã khiến cho các Giáo Phụ vào cuối thế kỷ thứ II tìm cách đối thoại và đối chiếu với nền văn hóa dân ngoại: Một mặt các ngài muốn chứng minh cho việc hoán cải của mình, mặt khác các ngài cảm thấy nhu cầu cần cần loại bỏ những lời kết án chống lại các Kitô hữu. Các ngài tìm cách đối thoại với dân Do Thái và dân ngoại, qua việc nhấn mạnh đến vai trò nền văn hóa của họ trong lịch sử cứu độ. Bằng cách này, qua việc đối thoại các ngài tìm cách gây sự chú ý đến con người của Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài.

Thánh Cyrillô và Mêthôđiô đã cổ võ cho Lời loan báo đầu tiên bằng việc phát minh ra bảng chữ cái của tiếng Slavơ. Các ngài đã cố gắng học hiểu nhiều hơn về thế giới nội tâm của dân tộc này, tìm cách chuyển dịch Kinh Thánh và các sách phụng vụ sang ngôn ngữ của họ. Điều đó đã cho phép các ngài loan báo Lời Chúa qua việc sử dụng những hình ảnh và khái niệm quen thuộc với người Slavơ, và dễ dàng gợi lên sự chú ý nơi họ.11 Trong dòng lịch sử, không thể đếm xuể những nhà truyền giáo đã xúc tiến phương pháp này giữa các dân tộc và các quốc gia trên mọi châu lục.

Sau Công đồng Vaticanô II, chủ nghĩa tục hóa gia tăng đã thúc đẩy Giáo Hội tái khám phá tầm quan trọng của Lời loan báo đầu tiên. Tông huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelli Nuntiandi) là một trong những giáo huấn đầu tiên nói về sự cần thiết để đẩy mạnh Lời loan báo đầu tiên (gọi là tiền phúc âm hóa) không chỉ cho những người chưa biết Đức Kitô, mà cả giữa những người đã được rửa tội nhưng có đức tin yếu kém, không thực hành đức tin, hoặc đã hoàn toàn lìa bỏ đời sống đức tin.12 Lời loan báo đầu tiên cũng dần xuất hiện trong các tài liệu khác của Giáo Hội với những sắc thái khác nhau.

Khởi đầu triều đại Giáo hoàng, Thánh Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh rằng giáo lý được đặt nền trên Lời loan báo đầu tiên, trong khi định nghĩa nó như là “những bài giảng truyền giáo ngang qua Kerygma để khơi lên đức tin (Kerygma = lời loan truyền Tin mừng nguyên thủy về Đức Kitô)”.13 Trong Thông điệp Sứ mạng Đấng Cứu Chuộc (Redemptoris Missio) tái xác nhận rằng Lời loan báo đầu tiên có vai trò trung tâm và không thể thay thế trong sứ mệnh của Giáo Hội vì nó dẫn mỗi người đến gặp gỡ cá vị với Đức Kitô.14 Trong ánh sáng này, cuốn sách “Những hướng dẫn chung cho việc dạy Giáo lý” đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Lời loan báo đầu tiên không chỉ ở những bối cảnh có nhu cầu của việc truyền giáo muôn dân, mà ngay cả giữa các Giáo Hội đã có truyền thống Kitô Giáo lâu đời.15 Tuy nhiên, điều quan trọng cần ghi nhận là, cuốn Sách Chỉ Dẫn ấy đã diễn tả Lời loan báo đầu tiên ấy tựa như “lời loan báo Tin Mừng cách minh nhiên”16 và được xem như thời điểm thứ ba của việc loan báo Tin Mừng, được chuẩn bị trước bằng chứng từ của lòng bác ái và đời sống Kitô hữu, tiếp theo là các Bí tích Khai tâm và giáo lý, từ giáo dục đến đức tin và truyền giáo.17

Lời loan báo đầu tiên đã được lấy lại trong một vài thượng hội đồng giám mục của các châu lục, nhằm đóng góp vào việc làm sáng tỏ căn tính và nhấn mạnh trên một vài yếu tố. Cần phải “Tân Phúc Âm Hóa” cho các Châu lục Lâu đời, vì nhiều chiều kích xã hội và văn hóa đang cần đến một sự truyền giáo muôn dân đích thực và thật sự. Tại đây, Lời loan báo đầu tiên được ngỏ với những người chưa được rửa tội của châu lục, trong khi đó việc “tái loan báo” thì nhắm đến những người đã được lãnh nhận Bí tích Rửa tội để giúp họ hoán cải trở về với Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài.18 Trong bối cảnh đa tôn giáo như ở châu Á, Lời loan báo đầu tiên cần được thực hiện như một khoa sư phạm có khả năng dẫn dắt con người từng bước một, ngang qua những huyền thoại, truyền thống dân gian, và phương pháp kể chuyện gần gũi với các hình thức văn hóa của bản xứ.19 Trong những bối cảnh có nền văn hóa sống động và các tôn giáo truyền thống như châu Phi, đây có thể được xem như điểm khởi đầu cho Lời loan báo đầu tiên có sức khơi lên một kinh nghiệm đầy ngạc nhiên và phấn khởi về Đức Kitô.20

Ngay cả khi Lời loan báo đầu tiên không được đề cập đến cách minh nhiên trong các huấn thị của các Thượng Hội Đồng tại các châu lục, chúng ta vẫn có thể ghi nhận rằng ở châu Úc, việc gặp gỡ cá vị và đối thoại với các tôn giáo truyền thống đã tạo thuận lợi cho Lời loan báo đầu tiên.21 Còn ở châu Mỹ Latinh thì niềm vui, sự xác tín và chứng tá của đời sống là những điều kiện cần thiết.22 Ở Trung Đông thì lại khác, Tin Mừng trở nên khả tín nhờ vào những chứng từ đức ái, như sự diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại, được thể hiện qua việc đáp lại những nhu cầu cần thiết của mọi người.23

Một số Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng đã nhấn mạnh trên Lời loan báo đầu tiên. Trong năm 2005, Thượng Hội Đồng Giám Mục Pháp đã xuất bản “Tài liệu toàn quốc định hướng cho việc dạy Giáo lý ở Pháp và những Nguyên tắc Tổ chức” (Texte National pour l’Orientation de la Catechèse en France et Principes d’Organisation). Các Giám Mục Pháp đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng và sự cần thiết của Lời loan báo đầu tiên qua việc mời gọi các gia đình và các phong trào để cổ võ cho lời loan báo này. Các ngài cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giáo dục đức tin. Ngoài ra, các ngài còn nhấn mạnh đến những đặc điểm quan trọng giúp nhận biết, triển khai, đào sâu suy tư và thực hành Lời loan báo đầu tiên. Năm 2009, các giám mục ở Lombardia cũng viết một lá thư qua đó mời gọi mỗi cộng đoàn Kitô hữu trong vùng hãy trở nên “chứng nhân của Lời loan báo đầu tiên”.24

Trong 15 năm gần đây, Ủy ban Giáo lý Quốc gia của Hội đồng Giám mục Ý đã mời gọi đào sâu hơn nữa và học hỏi về tầm quan trọng của Lời loan báo đầu tiên trong giáo lý. Năm 2003, Ủy ban đã tổ chức Hội thảo - Nghiên cứu về Lời loan báo đầu tiên và cả một Hội Nghị về Lời loan báo đầu tiên trong Giáo xứ. Năm 2005, xuất bản cuốn Chú giải Mục vụ cho Lời loan báo đầu tiên. Năm 2007, đã triệu tập Hội thảo Lần Thứ Hai về Lời loan báo đầu tiên, ngoài ra, vào năm 2009, còn có một Hội Nghị về Lời loan báo đầu tiên giữa Kerygma và Giáo lý.

Tài liệu Aparecida của Ủy ban phối hợp Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh lần thứ 5 (CELAM V) vào năm 2007 nhấn mạnh tầm quan trọng của lời loan báo mang tính cứu độ của Đức Giêsu, như cách thức để phát triển mối tương quan cá vị với Đức Kitô và khởi đầu sứ vụ của người môn đệ. Nhưng đồng thời coi kerygma chính là Lời loan báo đầu tiên. Aparecida không cho một định nghĩa rõ ràng về Lời loan báo đầu tiên, và điều này có thể mở ra những cách hiểu khác nhau về lời loan báo này ở châu Mỹ Latinh. Hội Đồng Giám Mục Colombia, trong cuộc họp chung năm 2013, đã trình bày Lời loan báo đầu tiên như một phần của tiến trình loan báo Tin Mừng. Vị Thư ký Bổ sung của CELAM, Leonidas Ortiz Losada, trong phần trình bày của mình với Hội đồng Giám mục, đã tiếp tục bàn tới kerygma và Lời loan báo đầu tiên. Trong Hội Thảo Giáo Lý Toàn Quốc ở Argentina năm 2011, Lời loan báo đầu tiên đã được được trình bày đan xen với Giáo lý.25

Chuẩn bị cho năm Đời Sống Đức Tin (11 tháng 10 năm 2012 - 24 tháng 11 năm 2013), Đức Hồng Y Filoni, Tổng Trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, giải thích rằng Bộ Truyền bá Đức Tin đã lên kế hoạch để tổ chức Năm Đức Tin từ quan điểm của Lời loan báo đầu tiên. Với cách thức tương tự, Thượng Hội đồng về Tân Phúc Âm Hóa cùng năm đó (07-28 tháng 10 năm 2012) tiếp tục nhấn mạnh về tầm quan trọng của Lời loan báo đầu tiên.

Sau Công đồng Vaticanô II, rất nhiều văn kiện Giáo Hội hậu Công đồng chưa bao giờ bỏ hoàn toàn khái niệm loan báo Tin Mừng, nhưng cùng lúc, các văn kiện nhấn mạnh đến chủ đề bằng một khái niệm rộng hơn, bằng việc thêm vào tính từ và tiền tố: tiền - Phúc Âm hóa, tái - Phúc âm hóa, tân - Phúc âm hóa. Sự hiểu biết về tiến trình Phúc Âm hóa cũng dẫn đến việc một số người nhấn mạnh đến chiều kích này hơn chiều kích khác.26

Tương tự như vậy, việc tái khám phá tính thời sự và tầm quan trọng của Lời loan báo đầu tiên cũng đã cho thấy những cách hiểu khác nhau về chỗ đứng của nó trong tiến trình phúc âm hóa, đặc biệt đối với bản chất và mối liên hệ của nó với kerygma và giáo lý. Trên thực tế, thường có sự nhầm lẫn với kerygma và giáo lý.

Theo Aparecida,27 ngay cả khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã đồng nhất kerygma với Lời loan báo đầu tiên, ngài cũng đã xác định điểm quan trọng giúp làm sáng tỏ căn tính của Lời loan báo đầu tiên trong tông huấn đầu tiên của ngài. Ngài đã nhấn mạnh rằng đầu tiên “không phải bởi vì nó có ngay từ khởi đầu và do đó, nó có thể bị quên lãng hoặc được thay thế bằng những điều khác quan trọng hơn”; nhưng hơn thế “bởi nó là lời loan báo trọng tâm, điều mà chúng ta phải nghe đi nghe lại dưới nhiều hình thức khác nhau”. Vì vậy, Lời loan báo đầu tiên tuy phân biệt nhưng lại có mối liên hệ sâu sắc với kerygma và giáo lý.28

Nhiều tác giả khác nhau đã suy tư về tầm quan trọng của Lời loan báo đầu tiên. Ngay từ năm 1990, Joseph Gevaert đã liên tục nói đến sự cần thiết của Lời loan báo đầu tiên trong cuốn Phúc Âm Hóa Lần Đầu (Prima Evangelizzazione). Năm 2001, một lần nữa ông tái xác định điều này trong cuốn “Đề xuất Tin Mừng cho những ai chưa biết Chúa Kitô”. Năm 2009, Xavier Morlans đã viết một cuốn sách trên đề tài: Lời loan báo đầu tiên. Mối liên kết bị cắt đứt (El Primer Anuncio. El Eslabon Perdido). Năm 2011, Enzo Biemme trong cuốn Cuộc Loan Báo Lần Thứ Hai, đã chia sẻ những chiến lược về Lời loan báo đầu tiên trong những bối cảnh có truyền thống Kitô Giáo. Năm 2013, Serge Tyvaert đã nhấn mạnh đến vai trò của Lời loan báo đầu tiên trong bối cảnh tục hóa qua ấn bản cuốn Từ Lời loan báo đầu tiên tới Tân Phúc Âm Hóa (De la Première Annonce à la Nouvelle Évangélisation).

Những ngày học tập

Trong bối cảnh liên tục suy tư trên khía cạnh thần học-mục vụ này, vào năm 2010, ban Truyền Giáo SDB và Ban Truyền Giáo FMA đã quyết định tổ chức Những ngày học tập về Lời loan báo đầu tiên theo từng châu lục: châu Âu (tổ chức tại Praga, 2010), tại vùng Nam Á (Kolkata, 2011), vùng Đông Á (Sampran, 2011), châu Úc (Port Moresby, 2011), Châu Phi và Madagascar (Addis Abeba, 2012), châu Mỹ và Caribe (Los Teques, 2013); ngoài ra, còn có các điểm hiện diện của SDB đang sống giữa các anh chị em Hồi Giáo (2012) và những ngày học tập khác tại (Rôma, 2015).

Tám Ngày Học Tập này nhắm tới việc cổ võ cho một cuộc thảo luận và suy tư sâu sắc, đặt trọng tâm trên sứ mệnh Salêdiêng của chúng ta, nhằm đạt tới một sự hiểu biết sâu sắc hơn về những thách đố và để có được những trực giác mới và những quan điểm mới trong việc canh tân thực hành truyền giáo.

Cuốn sách nhỏ này đã tóm tắt các cuộc thảo luận và những ánh nhìn mới trong những ngày học tập và nghiên cứu này nhằm giúp các SDB, FMA, các thành viên trong gia đình Salêdiêng và từng thành viên của các cộng đoàn giáo dục loan báo về Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh sống của chúng ta.


Chú thích

11 GIOVANNI PAOLO II, Enciclica Salvorum Apostoli (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 1985), n. 11, 21.

12 PAOLO VI, Esortazione Apostolica Evangelii Nuntiandi (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 1975), n. 51-52.

13 GIOVANNI PAOLO II, Esortazione Apostolica Catechesi Tradendae (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 1979), n. 18.

14 GIOVANNI PAOLO II, Enciclica Redemptoris Missio (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 1990), n. 44.

15 CONGREGAZIONE PER IL CLERO, Direttorio Generale per la Catechesi (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 1997), n. 25, 58.

16 Ibid, n. 47.

17 Ibid, n. 48.

18 GIOVANNI PAOLO II, Esortazione Apostolica Ecclesia in Europa (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 2003), n. 45-47.

19 Ibid, n. 45.

20 GIOVANNI PAOLO II, Esortazione Apostolica Ecclesia in Africa (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 1999), n. 57.

21 GIOVANNI PAOLO II, Esortazione Apostolica Ecclesia in Oceania (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 2001), n. 10, 20.

22 GIOVANNI PAOLO II, Esortazione Apostolica Ecclesia in America (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 1999), n. 67.

23 BENEDETTO XVI, Esortazione Apostolica Ecclesia in Medio Oriente (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 2012), n. 11, 89.

24 VESCOVI DELLE DIOCESI LOMBARDE, “Thách đố của Đức Tin: Lời loan báo đầu tiên”, 716-730.

25 ALFRED MARAVILLA, “El Primer Anuncio como Fundamento del Discipulado Misionero”, in Jornadas de Estudio del Primer Anuncio al Discipulado Misionero en America y el Caribe, 45-48.

26 UBALDO MONTISCI, “Primo Annuncio: Verso un Concetto Condiviso” in Missione Salesiana in Situazione di Frontiera e Primo Annuncio Cristiano in Europa Oggi, 33.

27 CARLOS MARÍA GALLI, “La Teología Pastoral de Aparecida. Una de las Raíces Latinoamericanas de Evangelii Gaudium” in Gregorianum 96/1 (2015): 25-50.

28 FRANCESCO, Esortazione Apostolica Evangelii Gaudium (Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 2013), n. 164-166.

Chương I. Lời loan báo đầu tiên trong Tân ƯớcChương III. Lời loan báo đầu tiên là gì