Chương I. Lời loan báo đầu tiên trong Tân Ước

Những cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu

Thánh sử Mátthêu đã tóm tắt các hoạt động truyền giáo của Đức Giêsu thật súc tích và phong phú: “Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9,35). Ngài không chờ đợi dân chúng đến với ngài. Trái lại, Ngài đến nhà của họ, trong các làng mạc và thành phố của họ để gặp gỡ những con người, đang khi họ thực thi đời sống thường ngày của mình: Ngài gặp Phêrô và Anrê đang đánh cá trên thuyền của họ (Mt 4,16-20), Ngài gặp Dakêu khi ông đang ngồi quan sát từ trên cây (Lc 19,1-10), Mácta và Maria đang ở trong ngôi nhà của mình (Lc 10,38-42). Điều này cũng đã cho phép Đức Giêsu tìm thấy đức tin ở những nơi không hề mong đợi như trường hợp của một người phụ nữ gốc Phênixi xứ Xyri (Mt 7,24-30), hay với viên đại đội trưởng (Mt 8,5-13) và những người tự nguyện sống độc thân vì Nước Trời (Mt 19,12). Thật vậy, Ngài đã đi khắp nơi để tìm kiếm chiên lạc.1

Ba cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan là những khuôn mẫu tuyệt vời của Lời loan báo đầu tiên. Đối với Thánh sử Gioan, việc đến với Đức Giêsu trước hết là sáng kiến của Chúa Cha. Ngay cả khi điều này không luôn được biểu lộ rõ ràng. Sáng kiến của Chúa Cha là chân thật và thường làm ta ngỡ ngàng: “Chẳng ai có thể đến với tôi, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi không lôi kéo người ấy” (Ga 6,44). Các môn đệ đã được Đức Giêsu cuốn hút. Rồi đến lượt họ cũng truyền lại sức hút này cho những người khác.

Lời mời gọi các anh em Phêrô và Anrê, Giacôbê và Gioan (Ga 1,35-50) thực sự là Lời loan báo đầu tiên của Đức Giêsu cho nhân loại. Lời mời gọi được diễn ra ở một nơi không xác định, như thể muốn nói rằng cuộc gặp gỡ đầu tiên này với Đức Giêsu có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào. Các môn đệ được gọi vào những thời điểm khác nhau. Tin Mừng theo Thánh Gioan thuật lại việc ông Gioan Tẩy Giả thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông đã loan báo với sự nhiệt tình có sức lan tỏa: “Đây là Chiên Thiên Chúa!” Hai trong số các môn đệ của ông đã đến với Đức Giêsu và hỏi một cách tò mò “Thầy ở đâu?” Đức Giêsu trả lời: “Hãy đến mà xem” - đây là những lời đầu tiên của Ngài trong Tin Mừng theo Thánh Gioan. Đối với những người tìm kiếm Đức Giêsu, thì Ngài đã để mình được tìm thấy trong cách thức hết sức độc đáo. Ngài không trao cho họ một học thuyết để hiểu, cũng không cho họ một số quy tắc luật lệ để tuân theo, nhưng mời gọi họ làm kinh nghiệm tương quan cá vị với Ngài và ở lại với Ngài. Vì thế, “họ đã đến và thấy nơi Ngài ở, và họ đã ở lại với Ngài ngày hôm đó”. Việc ở lại với Đức Giêsu trở thành một nguồn lực nội tâm vô tận cho cuộc sống và sứ vụ của người môn đệ. Một người trong số các môn đệ là Anrê, sau khi gặp được Đấng Mêsia, đã dẫn em mình là Simôn Phêrô đến với Đức Giêsu. Sau khi trở thành môn đệ của Đức Giêsu, ngay hôm sau, ông Philípphê đã dẫn thêm Nathanaen đến với Ngài. Người môn đệ đã tạo ra một chuỗi phản ứng có sức thu hút và vòng tròn các môn đệ của Đức Giêsu cứ thế được lớn rộng thêm.2

Trong cuộc đối thoại của Đức Giêsu với “một người Pharisêu tên là Nicôđêmô” (Ga 3,1-42), tuy ông là người bắt đầu trước, nhưng chính Đức Giêsu mới là người hướng dẫn và khai triển cuộc đối thoại. Nicôđêmô cho rằng ông biết Đức Giêsu, nhưng thực ra ông chỉ biết chút ít về Ngài. Ông có được một ít thông tin nhưng chưa nắm bắt được đầy đủ ý nghĩa trong độ sâu của nó. Nicôđêmô là một người chân thành và tốt lành, ông đã đến gặp Đức Giêsu trong đêm tối vì ông chưa có khả năng mở ra với những điều mới mẻ, để sống với sự mềm dẻo và tự do. Qua cuộc đối thoại, Đức Giêsu giúp ông làm một cú nhảy vọt từ sự tăm tối của tinh thần khép kín hướng tới sự mới lạ tuyệt đối và siêu việt. Rồi sau này, Gioan kể lại rằng Nicôđêmô đã bênh vực Đức Giêsu trước toàn thể Thượng Hội Đồng (Ga 7,48-52). Sau cuộc khổ nạn, ông đã liệm xác Chúa bằng các loại thuốc thơm quý giá. Cùng với ông Giôxếp người Arimathê, ông đã an táng Ngài trong một ngôi mộ xứng đáng (Ga 19,39). Như vậy, Lời loan báo đầu tiên đã dẫn dắt cách tiệm tiến một người từ sự mơ hồ và sợ hãi tới việc hiểu biết và tin vào Đức Giêsu.

Cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với người phụ nữ Samari (Ga 4, 5-42) cũng gợi lên hình ảnh của người công bố Lời loan báo đầu tiên. Giếng nước đầu làng là nơi mà cuộc sống của người dân được đan quyện vào nhau, nơi người ta đến xin nước và được trao tặng, là nơi mà cả những người xa lạ cũng trở thành bạn hữu, là nơi người ta kiến tạo những mối tương quan liên ngôi vị bất ngờ. Giếng nước đã trở thành nơi gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari và nhờ đó chị được biến đổi. Đức Giêsu chủ động và mở lời xin người phụ nữ: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” Lời thỉnh cầu này không chỉ giúp chị phụ nữ mở ra cho cuộc đối thoại, giải tỏa nỗi hận thù sắc tộc và mở rộng chân trời của chị, nhưng nó còn giúp chị đi sâu vào bên trong nội tâm mình và để đối diện với sự thật về chính mình. Dưới sự hướng dẫn của Đức Giêsu, người phụ nữ không chỉ nhận biết về chính mình, mà trên hết, chị đã khám phá ra Đức Giêsu là Đấng Mêsia. Đến cuối cuộc gặp gỡ, người phụ nữ đã chạy về làng để loan báo về Đức Giêsu cho những người đồng hương của mình.

Trong cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu tại Caphácnaum với viên sĩ quan cận vệ nhà vua, ông có đứa con trai đang bị bệnh (Ga 4,43-54), Đức Giêsu đã giúp viên sĩ quan thực hiện một bước nhảy vọt của đức tin, từ việc chỉ nhìn thấy Đức Giêsu chỉ như một người làm phép lạ đến việc tin vào Ngài. Chúng ta cũng bắt gặp chính năng lực này trong việc chữa lành cho người đầy tớ của viên đại đội trưởng (Mt 8,5-13) và con gái của người phụ nữ Canaan (Mc 7,24-30). Những tình huống của đời thường, những đau khổ, bệnh tật lại trở thành khởi điểm của đức tin, rồi sau đó nảy sinh và tăng trưởng theo kích cỡ mà trong đó con người lớn lên trong sự hiểu biết về con người của Đức Giêsu.3

Lời loan báo đầu tiên nơi thánh Phaolô

Thánh Phaolô là hình mẫu vô song của Lời loan báo đầu tiên. Ngài tin rằng sứ vụ của mình là phải cổ võ cho Lời loan báo đầu tiên của Tin Mừng bằng việc thiết lập các cộng đoàn mới. Ngài nêu rõ: “Nhưng tôi chỉ có một tham vọng là loan báo Tin Mừng ở những nơi người ta chưa được nghe nói đến danh Đức Kitô. Tôi làm thế vì không muốn xây trên nền móng người khác đã đặt” (Rm 15,20). Ngài thực hiện sứ vụ đó trước hết qua chứng tá đời sống và lời rao giảng của mình. Ngài coi mình như là “người tôi tớ của Đức Giêsu Kitô” (Rm 1,1), một phát ngôn viên khiêm tốn và không xứng đáng với Tin Mừng, là một bình sành mỏng giòn nhưng lại chứa đựng một kho tàng vĩ đại (2 Cr 4,7). Ngài đã trở nên “nô lệ cho mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người” (1 Cr 9,19), “đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1 Cr 9,22). Khi gửi thư cho tín hữu Côrintô, những người đã được nghe ngài công bố Tin Mừng bất chấp mọi dự kiến, đối lập và nghịch cảnh, thánh Phaolô tái xác nhận: “Không phải là chúng tôi khống chế đức tin của anh em; trái lại, chúng tôi góp phần tạo niềm vui cho anh em, bởi vì đức tin của anh em đã vững mạnh rồi” (2 Cr 1,24). Ngài mời gọi cộng đoàn Kitô hữu bắt chước ngài như chính ngài đã bắt chước Đức Kitô (1 Cr 11,1) và có “những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,5).4

Ở trọng tâm kinh nghiệm Kitô Giáo của Thánh Phaolô, có một biến cố cụ thể đã giúp ngài có một tầm nhìn siêu vượt: Ngài nhận biết Đức Giêsu Kitô như Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ. Sự hiểu biết của ngài không theo nghĩa hiểu biết thông thường của người Hy Lạp, tức là gắn liền với trí tuệ. Nó vượt lên trên những tri thức và hiểu biết thông thường. Hiểu biết theo ý nghĩa Thánh Kinh còn mang nhiều ngụ ý hơn, đó là đi vào sự hiệp thông và phát triển một mối tương quan thâm sâu đến độ làm cho ngài trở nên giống Đức Kitô, và cho phép Đức Kitô biến đổi vận mệnh cuộc đời của ngài. Hoa trái của sự hiểu biết này là sự biến đổi tận căn và bền vững về các giá trị, về cách nhìn thực tại và nhất là về cách nhìn nhận bản thân trước mặt Thiên Chúa.5 Tuy nhiên, đối với Thánh Phaolô, nguồn gốc và sức mạnh của tất cả việc rao giảng hoàn toàn “dựa vào Thần Khí và quyền năng của Thiên Chúa” (1 Cr 2,4).

“Mối lợi tuyệt vời được biết Đức Kitô Giêsu” (Pl 3,8) là căn cội và nền tảng nhận thức mang tính tông đồ của Thánh Phaolô. Ngài hiểu rằng nhiệm vụ tối thượng của mình trong cuộc sống là công bố “Đức Giêsu Kitô, và là một Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1 Cr 2,2). Ngài ý thức rằng Thiên Chúa đã hành động nơi ngài cách bất ngờ (Gl 1,17) và do đó, ngài được sai đến với các dân nước với cùng một nhiệm vụ cao cả: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).6

Như chiến lược truyền giáo, Thánh Phaolô đã chọn các vùng chưa được Phúc âm hóa, dùng các thành phố lớn làm bệ phóng để từ đó loan báo Tin Mừng. Ngài đã rảo bước trên tất cả các con đường dẫn đến các thành phố lớn, nơi mà phần đông dân chúng có thể hiểu được tiếng Hy Lạp. Phaolô cảm thấy sự thân quen gần gũi của các vùng đô thị, nơi mà ngài đã vận dụng mọi khả năng giảng thuyết của ngài để giải thích Tin Mừng cho dân chúng. Sự hiện diện của những người Do Thái hải ngoại cũng tạo thuận lợi cho sứ mệnh truyền giáo của ngài. Tuy vậy, ngài cũng không tự giới hạn mình trong khu vực của những người Do Thái. Ngài đã cố gắng để đem Tin Mừng đến với tất cả mọi người. Ngài thiết lập các mối tương quan cá vị sâu sắc với dân chúng và với các cộng đoàn mà ngài đã thành lập, tạo nên một phong trào của những con người sống cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.7

Bài giảng tại Arêôpagô thành Athêna (Cv 17,16-34) là một ví dụ điển hình về Lời loan báo đầu tiên của Thánh Phaolô. Ngài đã cố gắng giải thích cho những công dân của thành phố lớn thuộc Địa Trung Hải về những đặc nét của tôn giáo mới, bằng cách thức súc tích nhất. Ngài sử dụng nhiều chiến lược khác nhau để có thể tương tác với các thính giả của mình và ngay lập tức ngài cảm thấy trở nên đồng điệu với họ. Ngài đã đề cập tới những giả thiết cơ bản của thuyết Khắc Kỷ, Chủ nghĩa khoái lạc và các trường phái triết học có thế giá của Hy Lạp cổ đại; ngài tỏ ra thân thiện và rất thông thạo các truyền thống văn học và lịch sử quan trọng của người Hy Lạp; ngài đã sử dụng lối giải thích phổ thông dễ hiểu cho những người ngoại giáo, khi bàn đến những luật phổ quát, ngài mời gọi sự mở ra cho những mặc khải tự nhiên. Mặc dù nhiều người đã bỏ đi khi ngài bắt đầu nói về sự sống lại của những người đã chết, nhưng có một số đã tin và đi theo ngài, trong đó có ông Điônyxiô thành Arêôpagô và một người phụ nữ tên là Đamari.

Sách Công Vụ Tông Đồ giới thiệu về một lối sống đơn sơ của các thành viên trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Họ được “toàn dân thương mến” (Cv 2,47) do bởi cách sống của mình: Họ đã bán tất cả những gì mình có, đặt làm của chung số tiền thu được để phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu (Cv 4,32-37). Họ đã là những chứng nhân sống động của Tin Mừng, một Tin Vui làm thay đổi cuộc sống; họ diễn tả Tin Mừng không như một hệ thống những giáo thuyết phải tin, cũng không là một loạt những luật lệ phải tuân giữ. Như thế, Tin Mừng đã được rao truyền bằng sự ấm áp của tình người, bằng chứng tá đời sống và tình yêu. Đó là một cộng đoàn được thấm nhuần bởi Thần Khí, Đấng được coi là sức sống nền tảng (Cv 2,29-47). Cộng đoàn “được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ” (Cv 9,31).

Giáo Hội tiên khởi cũng đã rao giảng Tin Mừng với lòng can đảm và ngay thẳng, như đã thấy trong cuộc đối thoại của Philípphê với viên thái giám người Êthióp (Cv 8,26-40). Niềm đam mê tông đồ đã thúc đẩy những người loan báo Tin Mừng đem Đức Kitô đến cho người khác. Các Kitô hữu tiên khởi đã nhận thức rõ chính Chúa Thánh Thần làm cho mọi người ở bất kỳ độ tuổi, giới tính, chủng tộc hay văn hóa, dễ dàng gặp được Tin Mừng. Chúa Thánh Thần thúc đẩy và đi trước các nhà truyền giáo, Ngài nâng đỡ niềm đam mê tông đồ của họ. Trong khi đó, Ngài cũng chuẩn bị cõi lòng của những người đón nhận để nuôi dưỡng niềm đam mê của họ trong việc tìm kiếm chân lý và sự sống viên mãn.8

Viên thái giám người Êthióp không thiếu cõi lòng cởi mở, nhưng Philípphê đã hối thúc ông bằng lời rao giảng đầu tiên ngắn gọn mà cần thiết, để soi sáng tâm trí và đốt cháy cõi lòng ông. Cộng đoàn Kitô hữu đã loan truyền đức tin vào Đức Giêsu - một đức tin được tự do đón nhận - từ những con người đã được Đức Giêsu cuốn hút. Sau khi chịu phép rửa, viên thái giám vẫn tiếp tục hành trình của mình, nhưng bên trong ông đã được biến đổi và tràn ngập niềm vui. Thực thế, trong sách Công Vụ Tông Đồ, Thánh sử Luca cho thấy sự lan rộng của Giáo Hội tiên khởi được thấm nhuần niềm vui, ngay cả giữa những lúc bị bách hại. Đó là niềm vui khi nhìn thấy một ai đó tin vào Đức Giêsu Kitô.9

Tóm tắt

Chính cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu đã khơi lên niềm tin vào Ngài. Ngay cả các Kitô hữu tiên khởi cũng đã trình bày cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu như một lời mời gọi hoán cải từ một đời sống cũ đến một đời sống mới. Tiếp đến, lời rao giảng của các tông đồ cũng một lần nữa lấy lại những khía cạnh khác nhau của đời sống con người dưới ánh sáng giáo huấn của Đức Giêsu. Kitô Giáo được xem như một “con đường”, một lối sống mời gọi dấn bước vào cuộc hành trình với nhiều hệ lụy trong đời sống của người tín hữu. Như thế, Lời loan báo đầu tiên không gì khác hơn sự khởi đầu của một hành trình công bố lời hứa và đòi hỏi lòng trung thành với một hành trình thiêng liêng và cộng đoàn.10


Chú thích

1 MARIA KO HA FONG, “Đức Giêsu đi rảo khắp Thành phố và Làng mạc” in A. Maravilla (a cura di), Giornate di Studio sul Primo Annuncio di Cristo in Città (Rôma: SDB-FMA, 2016) 245-252.

2 MARIA KO HA FONG, “Đây là Chiên Thiên Chúa!” “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia!” “Các anh tìm gì?” “Hãy đến mà xem” in Missione Salesiana in Situazione di Frontiera e Primo Annuncio Cristiano in Europa Oggi (Rôma: SDB-FMA, 2013) 21-30.

3 MARIA KO HA FONG, “Cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với ba Nhân Vật trong Tình huống Khác nhau” in Missione Salesiana in Situazione di Frontiera e Primo Annuncio Cristiano in Europa Oggi, 45-55.

4 MARIA KO HA FONG, “¿Comprenden lo que Acabo de Hacer con Ustedes?” in M. loes (a cura di), Las Jornadas de Estudio del Primer Anuncio al Discipulado Misionero en América y el Caribe (Rôma: SDB-FMA, 2014) 222-223; Idem, “Paolo, Missionario della Città” in a.Maravilla (a cura di), Giornate di Studio sul Primo Annuncio di Cristo in Città (Rôma: SDB-FMA, 2015), 257.

5 JUAN JOSÉ BARTOLOMÉ, “Hãy để mình bị Chinh phục bởi Đức Kitô, trọng tâm của Kinh nghiệm Kitô Giáo nơi Thánh Phaolô” in A.MARAVILLA (a cura di), Giornate di Studio Sulla Presenza Salesiana tra i Musulmani (Rôma: SDB-FMA, 2013) 191-196.

6 JUAN JOSÉ BARTOLOMÉ, “‘Rivelare suo Figlio in me’, Origine e Causa della Missione Paolina” in Giornate di Studio Sulla Presenza Salesiana tra i Musulmani, 179-184.

7 MARIA KO HA FONG, “Paolo, Missionario della Città”, 253-259.

8 RUTH DEL PILAR MORA, ALEXIUS MULONGO, “Emerging Insights and Perspectives during the Study Days in View of a Renewed Missionary Praxis in Africa and Madagascar” in M. LOES (a cura di), Study Days on the Initial Proclamation of Christ in Africa and Madagascar (Rôma: SDB-FMA, 2014), 126, 129.

9 MARIA KO HA FONG, “Go up and Join that Chariot” in a. Maravilla (a cura di), Study Days on the Salesian Mission and the Initial Proclamation of the Gospel in South Asia (Rôma: SDB-FMA, 2013) 135-143.

10 VESCOVI DELLE DIOCESI LOMBARDE, “Thách đố của Đức tin: Lời loan báo đầu tiên” in Regno - Documenti, vol. 21 (2009), 726.

Dẫn nhậpChương II. Suy tư thần học - mục vụ trên Lời loan báo đầu tiên